ClockThứ Năm, 14/07/2022 07:45

Xây dựng đạo đức công vụ: Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay

TTH - Thực thi công vụ của cán bộ, công chức là trách nhiệm quản lý xã hội với chức năng đặc biệt (chủ thể quản lý) đòi hỏi phải có phẩm chất đặc biệt, đó là đạo đức công vụ.

Đặt đúng tầm nhiệm vụ xây dựng đạo đức của ĐảngThay đổi phong cách khi thực thi nhiệm vụĐể tinh thần phục vụ tốt hơn

Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn từ sớm, từ xa các cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Ảnh minh họa: TTXVN

1. Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, công chức là những người làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, quản lý doanh nghiệp… Là những người được giao quyền thực hiện nhiệm vụ và có nghĩa vụ chấp hành pháp luật trên từng lĩnh vực được giao. Họ phải là người trung thành với Đảng, chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, phục vụ lợi ích Nhân dân, chấp hành sự phân công tổ chức, giữ gìn phẩm chất đạo đức…

Công chức là lãnh đạo, quản lý, ngoài chức năng chung còn có trách nhiệm quản lý cấp dưới, quản lý tài sản Nhà nước, xã hội, điều hành công việc theo chức năng. Do tính chất hoạt động thực thi quyền lực Nhà nước (quyền lực công) nên có tính chất đặc thù, sử dụng quyền lực công được Nhân dân giao cho thông qua cơ quan hệ thống hành chính Nhà nước. Đã có thời kỳ chúng ta thực hiện theo cơ chế cũ với tính chất mệnh lệnh, quan liêu, “xin - cho”… nay đã không còn phù hợp.

Giai đoạn hiện nay có 2 hình thái chủ yếu: Quản lý Nhà nước bằng pháp luật và cung cấp dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và xã hội. Công chức có chức năng quản trị đất nước, đồng thời là người phục vụ và chăm lo cho đời sống Nhân dân. Đây được xem là quan niệm chuyển đổi mang ý nghĩa sâu sắc về chất, theo hướng tiên tiến, tạo dựng hình ảnh phục vụ người dân, nâng cao chất lượng công việc và cung cấp dịch vụ cho phát triển. Do đó, đòi hỏi cần thiết là cán bộ công chức phải nâng cao đạo đức công vụ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội và Nhân dân.

Cán bộ, công chức là những người được tuyển vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị theo những tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ, có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, do tác động từ mặt trái xã hội và tự mỗi bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên đã có một bộ phận sa sút ý chí, thiếu bản lĩnh chính trị, thậm chí bị tác động, lôi kéo chống Nhà nước. Một số cán bộ ở cơ sở có biểu hiện xa rời quần chúng, tắc trách, bê trễ, phục vụ theo kiểu “ban ơn”, gây ra những bức xúc không đáng có.

Nhiều cán bộ chưa thực sự tận tâm công việc, tranh thủ làm việc riêng, “chân ngoài dài hơn chân trong”, sử dụng vật tư, phương tiện không đúng của tập thể gây tốn kém, lãng phí... Đó thực sự là những “điểm nghẽn” gây ách tắc nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của cán bộ công chức trong cơ quan công quyền.

2. Những biểu hiện trên chưa nêu hết mặt trái của đạo đức công vụ, nhưng đã phản ánh phần nào thực trạng tồn tại cần phải được chấn chỉnh. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện những tiêu cực, tác động của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng đến đạo đức công vụ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ý thức và sự rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Giai đoạn hiện nay, chống tham nhũng, tiêu cực đang là phong trào được Đảng phát động, toàn dân theo dõi, đồng tình thì mỗi cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo các cấp cần nêu cao bản lĩnh liêm chính, dám nói không với tham nhũng, tiêu cực.

Trong môi trường mới không cho phép có tác phong “bề trên”, “ban phát” mà cần phải có thái độ tôn trọng, phục vụ Nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật và quy định công vụ hiện hành.

Phương châm “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” phải được thể hiện bằng hành động thực tế, không chỉ là hô khẩu hiệu, lý luận suông. Người được giao chức trách lãnh đạo, quản lý cần xác định vị trí của mình phải là người “công bộc”, người “đày tớ”, là tấm gương cho quần chúng noi theo, học tập, không được xem chức vụ là nơi “làm quan phát tài”. Yêu cầu cao nhất đạo đức công vụ hiện nay là “Cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”, trung thành với chế độ, chống tham nhũng, tiêu cực, gương mẫu trong cơ quan và giáo dục gia đình chấp hành pháp luật.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ Nhân dân và phát triển của đất nước… Đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với Nhân dân”. Trên cơ sở đó, xây dựng tiêu chí đánh giá đạo đức công vụ chuẩn xác, mẫu mực theo tiêu chí chung và trên từng lĩnh vực. Cùng với Điều lệ, quy định của Đảng, Luật Công chức, viên chức, quy chế làm việc…  là từng bước hoàn thiện Quy chế văn hóa công vụ (theo Quyết định 1747QĐ-TTg ngày 27/12/2018).

Từng ngành, lĩnh vực xây dựng quy chuẩn chuyên ngành bằng các tiêu chí ràng buộc trong khen thưởng, nâng lương, quy hoạch, đề bạt và các chính sách khác. Những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm, các giá trị đạo đức xã hội cần được vận dụng, cụ thể hóa để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị vận dụng thực hiện. Đạo đức công vụ phải được đặt lên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, không tách rời mục tiêu của Đảng và Nhân dân ta hướng tới. 

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

TIN MỚI

Return to top