ClockThứ Ba, 12/01/2021 10:47

Từ nhận hối lộ đến xử lý hình sự, thu hồi tài sản

TTH - Đã có một số vụ án xét xử đề cập đến nhận hối lộ của quan chức năng được cơ quan tố tụng công bố tách ra chuyển thành giai đoạn 2. Lý do là để điều tra thu thập thêm chứng cứ, xem xét sau. Điều đáng nói là để “sau” quá dài đã gây ra dư luận không đồng tình về tính minh bạch của các vụ án.

Nhân sự "đặc biệt" tái cử: Phải có đức, tài vượt trội, có khát vọng lo cho dânCần một cơ chế kiểm tra chéo

Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: nhandan.com.vn

1. Thực tế thời gian qua, vấn đề đáng quan tâm là khởi tố, điều tra tội nhận hối lộ đang còn rất ít hay đúng hơn là chưa được xác định đúng thiệt hại của tội này. Trong các vụ lớn, chỉ có vụ Mobiphone mua 95% tài sản AVG là đã làm rõ tội danh nhận hối lộ đối với người có chức vụ. Nếu không điều tra xử lý quyết liệt thì hàng triệu đô la “chảy” vào túi cá nhân Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà và các đối tượng khác. Đó là vụ thu hồi tài sản lớn và điển hình nhất. Nhưng có không ít vụ lại không được điều tra đến cùng về nhận hối lộ, không thu hồi được tài sản bị thất thoát. Vụ tổ chức đánh bạc qua mạng hàng ngàn tỷ đồng đã được đưa ra xét xử ở Phú Thọ là một trường hợp như thế. Nguyễn Văn Dương là ông chủ đường dây trong vụ án này đã khai đưa hối lộ cho tướng Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, hơn 1,7 triệu USD, đồng hồ Rolex 1,1 tỷ đồng và nhiều khoản khác. Tòa công bố lời khai của Dương là có cơ sở, được tách ra để xem xét ở giai đoạn 2. Thế nhưng đã hơn 2 năm (xử 30/11/2018) không thấy đưa ra xét xử như công bố của chủ tọa phiên tòa. Phải chăng tuyên bản án 9 năm tù cho Phan Văn Vĩnh đã quá nặng?

Những vụ án khi xét xử tội tham nhũng không thể bỏ qua yếu tố nhận hối lộ. Loại tội này vừa gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội, vừa làm mất đạo đức cán bộ, tạo mất bình đẳng giữa thu nhập chính đáng và hưởng thụ bất hợp pháp. Không phải tự nhiên mà người ta cầu cạnh người có chức quyền về những khoản tài sản của Nhà nước với cái gật đầu và chữ ký. Đằng sau “hậu trường” đã sớm hình thành khoản lợi ích cục bộ, sự thỏa thuận ngầm nào đó trong những khoản lợi nhuận. Trước khi ký duyệt chắc chắn đã có gợi ý hoặc hiểu ngầm những khoản “có đi, có lại” trong đó. Không có sự vô tư hay những giải trình, lời khai “ngây ngô” về trách nhiệm của quan chức sau khi bị phát hiện. Nghe qua không thể chấp nhận lời khai “không để ý” của ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) khi “cầm” của bà chủ doanh nghiệp phong bì 10 ngàn USD để đi chữa bệnh.

Nhiệm kỳ XII đã có hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự, trong đó có những người giữ chức vụ rất cao. Phần lớn số này đều bị truy tố về các tội liên quan đến chức vụ và tham nhũng như: cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả. Khi phát hiện đưa ra xét xử thì tài sản, tiền bạc của Nhà nước đã bị thất thoát, khó thu hồi hoặc thu hồi không đầy đủ. Theo tổng kết công tác chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, chỉ có 39,1% tài sản được thu hồi, còn hơn 60% chưa được thi hành với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều vụ án tuyên buộc cá nhân ở các vụ án lớn phải đền bù thiệt hại, nhưng khó chấp hành nộp đầy đủ cho Nhà nước. Tham nhũng từ hối lộ là những khoản đã nằm trong túi cá nhân, là những khoản rất lớn, muốn “moi” ra không phải dễ. Thế nên, dân gian có câu mỉa mai: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” là như vậy.

2.  Cơ quan tố tụng “có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo đảm công lý” (Điều 2 Bộ luật Tố tụng hình sự). Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan pháp luật có chức năng phải có trách nhiệm phát hiện, làm rõ vi phạm, không để lọt tội. Trong 14 tội danh của Bộ luật Hình sự liên quan đến chức vụ, tham nhũng thì nhận hối lộ được cấu thành từ những dấu hiệu riêng (Điều 354). Không thể vì đã xét xử các tội tham nhũng rồi xóa cho tội nhận hối lộ, mặc dù xác định chứng cứ tội không dễ. Không làm rõ hoặc không truy tố tội này là trái quy định pháp luật, bỏ lọt tội phạm, tạo lỗ hổng cho đối phó, che giấu tinh vi hơn. Cùng với quyết định của tòa án thì các cơ quan nội chính, kiểm tra thi hành pháp luật cần phải theo dõi, chỉ đạo các vụ án đã có dấu hiệu nhận hối lộ. Không thể chỉ giao khoán cho các cơ quan tố tụng khi có những quan điểm, đánh giá khác nhau giữa các cơ quan tố tụng dẫn đến kéo dài, không xử lý triệt để. Vấn đề này dễ phát sinh tiêu cực liên quan đến “chạy án” như các văn bản đánh giá của Đảng đã chỉ rõ.

 Sau khi xét xử, bản án được công bố công khai, nhưng ở giai đoạn thi hành án ít được thông tin cho công luận. Điều đó đã làm cho quần chúng hoài nghi về pháp chế, hiểu sai lệch về công tác chống tham nhũng, đối tượng xấu xuyên tạc, dư luận không đồng tình...

Tham nhũng làm thất thoát tài sản của Nhà nước nên cần phải được truy tận gốc nhằm thu hồi trả lại cho ngân sách. Bỏ lọt hành vi hối lộ là tiếp tay cho những kẻ tham nhũng làm giàu bất hợp pháp.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chú trọng thu hồi tài sản hay xử lý hình sự với tham nhũng

Báo cáo từ Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng (2012-2022) của Ban Bí thư tổ chức mới đây cho thấy, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… đã kiến nghị thu hồi 975.000 tỷ đồng, 76.000ha đất; thi hành án thu được từ các vụ tham nhũng 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%.

Chú trọng thu hồi tài sản hay xử lý hình sự với tham nhũng
Cần một cơ chế kiểm tra chéo

Năm 2019, một số thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ đến hơn 2 tỷ đồng đã bị phát hiện và được đưa ra xét xử vào cuối tháng 6/2020. Và mới đây, thanh tra viên Sở Nội vụ Đắk Lắk bị bắt để điều tra cũng tội nhận hối lộ. Hai vụ việc nhận hối lộ nêu trên là từ việc khi tiến hành thanh tra, đối tượng thanh tra bị phát hiện sai phạm. Và hai vụ trên bị lộ là do tố giác.

Cần một cơ chế kiểm tra chéo

TIN MỚI

Return to top