ClockThứ Hai, 24/01/2022 05:50

Những kỷ vật viết nên trang sử mùa xuân

Ký ức tháng Ba - Kỳ III: Dưới chân núi Mỏ Tàu

Áo và mũ tai bèo của chị Chế Thị Mừng (đội viên của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương) mặc khi tham gia các trận đánh ở Sân Vận động, Lò Trâu, Sư Lỗ...

Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng người dân Cố đô vẫn không thể quên hình ảnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của những chiến sĩ, đồng bào và những nữ anh hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở Thừa Thiên Huế. Với biết bao ký ức, kỷ niệm của người đã nằm xuống và cả người may mắn sống sót trở về từ chiến trường đều ẩn chứa qua những kỷ vật được trưng bày trong gian phòng chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Thừa Thiên Huế tại Bảo tàng Lịch sử.

Bước sang đông - xuân năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân hai miền Nam - Bắc tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thế và lực của ta đã lớn mạnh. Tháng 12/1967, Hội nghị Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nghị quyết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở Đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Khu ủy Trị Thiên quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái thuộc xã Hương Vân, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) làm căn cứ chỉ huy. Việc đào địa đạo đã được tiến hành tuyệt đối bí mật, lực lượng đào địa đạo khi ấy chủ yếu là đội Công an bảo vệ, đa số là người dân tộc do đồng chí Tư Minh cùng đồng chí Đặng Kinh chỉ đạo. Công việc phải tiến hành 24/24 giờ trong ngày và hoàn toàn bằng cuốc xẻng. Sau một thời gian triển khai gấp rút, địa đạo đã hoàn thành, trở thành “đại bản doanh”, trụ sở hoạt động của Bộ chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên Huế, quyết định đến các trận đánh trên chiến trường Trị Thiên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 1967, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Quân khu đã được thành lập. Đồng chí Lê Tư Minh được bầu làm Tư lệnh Quân khu; đồng chí Lê Chưởng làm Chính ủy. Riêng tại mặt trận thành phố Huế cũng được hình thành hai cánh. Ở cánh Bắc: Đồng chí Nguyễn Thu làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Trần Anh Liên làm Chính ủy. Ở cánh Nam: Đồng chí Thân Trọng Một làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Vạn làm Chính ủy.

Sổ tay của Trung tướng Đặng Kinh – Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên ghi chép về tình hình, diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại Huế.

Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất thì đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (tức ngày ngày mồng 2 tết Mậu Thân), loạt đạn pháo của ta liên tiếp nả vào dinh lũy của địch mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 ở Thừa Thiên Huế. Tại thành phố Huế, mỗi căn nhà, nẻo đường, góc phố đều trở thành chiến lũy, Huế trở thành một pháo đài được xây dựng bằng lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tinh thần anh dũng phi thường của biết bao đồng bào, đồng chí mà không một thứ sắt thép nào có thể so sánh kịp.

Nhắc đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở Thừa Thiên Huế, chúng ta không thể quên những chiến công vẻ vang của tiểu đội 11 cô gái sông Hương và chị tiểu Đội trưởng Phạm Thị Liên.

Với chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã được Nhân dân trong nước và bạn bè thế giới khen ngợi. Hiện nay, nhiều hiện vật liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, như:

- Bản đồ của đồng chí Nguyễn Vạn (Chính ủy cánh phía Nam của mặt trận thành phố Huế) và đồng chí Thân Trọng Một (Chỉ huy trưởng cánh phía Nam của mặt trận thành phố Huế) dùng để chỉ huy các mũi tiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm1968 ở Thừa Thiên Huế.

- Chiếc đèn pin (có màu xám đen, ký hiệu MX-99/U) của đồng chí Diệp Văn Phúng dùng để làm tín hiệu mở cửa Thượng Tứ cho đơn vị tiến đánh vào Thành Nội - Huế vào đêm 31/1/1968.

- Áo và mũ tai bèo của chị Chế Thị Mừng (đội viên của tiểu đội 11 cô gái sông Hương) mặc khi tham gia các trận đánh ở Sân Vận động, Lò Trâu, Sư Lỗ, hay những lúc chị đi gùi mìn, đánh du kích.

- Sổ tay của Trung tướng Đặng Kinh – Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Đây là cuốn sổ tay đồng chí dùng để ghi chép về tình hình, diễn biến của quân và dân Thừa Thiên Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

- Khẩu 12.7 ly đã cùng quân và dân Thừa Thiên Huế tham gia chiến đấu trấn giữ cửa Chánh Tây, chặn đứng và bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch.

Đặc biệt ở gian trưng bày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn có những hiện vật tìm thấy được trong đợt khai thông địa đạo Khe Trái (địa đạo Khu ủy) vào tháng 3/1997 như: Chân máy may, nắp bếp Hoàng Cầm và một số vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các đồng chí đã sử dụng tại địa đạo. Những kỷ vật này không đơn thuần chỉ là những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, mà đó là lịch sử, là máu xương của bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống để có chiến công vang dội làm chủ Huế trong 26 ngày đêm, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong Xuân 1968, mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bài, ảnh: Lê Thị Mai An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáp Tết

Trời tạnh ráo sau những ngày mưa buồn rả rích, cho tôi cảm giác không khí mùa xuân đã hiện diện nơi nơi.

Giáp Tết
Ấm áp mùa xuân biên cương

Yêu thương của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) dành cho người dân biên giới, đã vun trồng nên những mùa xuân tươi đẹp, vững bền trên biên cương.

Ấm áp mùa xuân biên cương
Mùa xuân của mẹ

Không hẳn đất trời khoác lên mình lá hoa đâm chồi nảy lộc, mùa xuân của Mẹ được dệt nên bởi rất nhiều yêu thương của những đứa con bộ đội biên phòng (BĐBP).

Mùa xuân của mẹ
Giọt mùa xuân nảy mầm

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, luôn là một khúc điệu, một câu tự vấn khi người ta quen với những ca từ thời nào đó xa lắm lấp lánh trên mi mắt, chỉ để ngắm nghía giọt mùa xuân đang lặng lẽ nảy mầm ở trên bầu trời, dưới mặt đất hay chính trong lòng người.

Giọt mùa xuân nảy mầm
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Return to top