ClockThứ Ba, 07/05/2019 06:15
Chào mừng Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2019

Nhớ về thời hoa lửa

TTH - Đã 65 năm kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi nhưng những cựu chiến binh (CCB) tham gia chiến dịch ngày ấy vẫn còn nguyên những ký ức về “56 ngày đêm khoét núi/ngủ hầm/mưa dầm/cơm vắt/máu trộn bùn non...”.

Chiến thắng được bắt đầu từ một quyết định gây sửng sốtViệt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ: Một khối thống nhất, bền chặtPhát động thi đua chào mừng 65 năm kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Đã ngoài 90 tuổi, CCB Nguyễn Tửu vẫn minh mẫn, hoạt bát

Vào sinh ra tử

Chúng tôi tìm đến nhà CCB Nguyễn Tửu (quê xã Quảng Vinh, Quảng Điền, hiện ở phường Tây Lộc, TP. Huế) khi ông vừa đi làm “nhiệm vụ” mời các đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng. Nhìn ông nhanh nhẹn dắt chiếc xe máy, ít ai nghĩ rằng ông năm nay đã 92 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ông vẫn rất minh mẫn, những dòng hồi ức về một thời bom đạn được ông kể lại rành rọt, tỉ mỉ.

Để chuẩn bị hậu cần chu đáo cho chiến dịch, năm 1953, đơn vị của ông là Ban quân nhu tiền phương thuộc Đại đoàn 316 được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ.

Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng trong chiến trường khói lửa, ông không ít lần vào sinh ra tử. Với nhiệm vụ đảm bảo lương thực, súng đạn cho 5 đại đoàn, ông được gặp Tướng Võ Nguyên Giáp hằng ngày để báo cáo tình hình nhu yếu phẩm và vũ khí cho bộ đội.

Bắt đầu chiến dịch, cả 5 đại đoàn của ta: Đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 đều có mặt ở Điện Biên để tham gia chiến đấu, nên lương thực thực phẩm cho bộ đội hết sức khó khăn. Muốn đưa được lương thực lên Điện Biên phải gánh bộ hoặc xe thồ đi qua đèo Pha Đin.

"Do giặc bắn phá quá ác liệt nên vũ khí của ta vận chuyển không kịp để đánh địch. Trước tình hình đó, tôi được lệnh mật trực tiếp về đèo Pha Đin để dẫn trung đội vận tải vũ khí vượt đèo", ông Nguyễn Tửu kể.

CCB Nguyễn Đình Hưng xúc động kể lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhờ sự mưu trí, dũng cảm, CCB Nguyễn Tửu đã đưa đơn vị vận tải vũ khí vượt đèo thành công sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch. Lần thứ 2, ông cũng nhận lệnh trực tiếp chỉ huy đưa vũ khí lên đỉnh đèo. Nhưng lần này khó khăn hơn trước rất nhiều, vì địch đã lường trước được quân ta sẽ chi viện vũ khí nên rải bom nhiều vô kể. Khi cả đơn vị đến chân đèo bản Cò Nòi thì một trận mưa bom của địch ập xuống, đất đá phủ kín hầm. Thoát chết trong gang tấc, mặc cho cái chết luôn cận kề, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ để quân ta đảm bảo không thiếu vũ khí đánh giặc. Hay những lần trực tiếp lên biên giới Lai Châu nhận gạo, đưa về bằng đường suối, nước chảy xiết, đèo cao, thác sâu, nhưng ông cùng đồng đội quyết không để ướt gạo và chậm thời gian, đảm bảo quân ta có gạo đủ ăn cho đến ngày chiến dịch thắng lợi.

Tiếp dòng ký ức năm xưa về Điện Biên, người chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm Nguyễn Văn Bính (85 tuổi, quê Nghệ An) hiện ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Tây Lộc, TP. Huế không khỏi xúc động khi nhắc lại những ký ức hào hùng về một thời hoa lửa.

Những vết thương còn nguyên trên cơ thể người cựu binh già là minh chứng cho những lần vào sinh ra tử của mình. Một lần đang phá bom thì bom nổ, bị đất đá vùi lấp, đồng đội ai cũng tưởng ông không còn nhưng may mắn ông chỉ bị thương ở tai. Hằng ngày phải đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm nhưng ông và các đồng đội chưa bao giờ sợ chết, mà chỉ có một mục tiêu là làm sao đường thông suốt để bộ đội ta hành quân.

Vận chuyển pháo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bộ đội công binh đi kéo pháo

Cũng như nhiều người lính Điện Biên năm xưa, những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ là ký ức không thể nào quên của CCB Nguyễn Đình Hưng (84 tuổi, Ngự Bình, TP. Huế). Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những trận đánh đầu tiên, ông Hưng vẫn nhớ mãi kỷ niệm khi được tham gia đánh trận đồi Him Lam. Khi đó ông thuộc Tiểu đoàn 31, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ngày 13/3/1954, đơn vị của ông (Đại đoàn 312) được lệnh tham gia đánh mở màn. Sau đợt bắn pháo dữ dội của quân ta, đơn vị ông đã tiến công cứ điểm Him Lam, trận đánh mở màn thắng lợi.

Kỷ niệm mà ông nhớ mãi là bộ đội công binh đi kéo pháo. Để nhanh chóng vận chuyển pháo lên đồi, các đơn vị công binh được tăng cường đi kéo pháo. Mới nhận nhiệm vụ ai cũng tưởng dễ, nhưng đường rất hẹp, chỉ cần sơ sẩy một chút là pháo có thể tuột dốc, rơi xuống đèo bất cứ lúc nào; trên đầu thì địch bắn đại bác liên hồi. Kéo pháo không quen nên qua một ngày tay rát bỏng, cái rét giữa núi rừng Tây Bắc vào ban đêm như thấu xương, nhưng không có một tiếng rên la, tất cả đều tập trung cao độ cho nhiệm vụ, bởi chỉ cần một người không đều tay là pháo có thể tuột bất cứ lúc nào.

Hiện, ở Thừa Thiên Huế chỉ còn 9 CCB tham gia chiến dịch Điện Biên phủ còn sống nhưng ai cũng đã ngoài tuổi 80. Mỗi người một đơn vị, một nhiệm vụ, nhưng ngày ấy tất cả có chung một mục tiêu là tiêu diệt cho bằng hết kẻ thù. Chính lòng dũng cảm và yêu nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của họ đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. 

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hát về tình yêu Cố đô

Tối 26/12 tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế diễn ra chương trình ca nhạc với chủ đề “Tôi yêu Huế” do Hội Âm nhạc, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế tổ chức.

Hát về tình yêu Cố đô

TIN MỚI

Return to top