ClockThứ Sáu, 26/10/2018 08:42

Nhìn lại mình để nỗ lực hơn

TTH - Số phiếu tín nhiệm của từng người tuy cao thấp khác nhau, nhưng không có trường hợp nào có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% để có thể xin từ chức và cũng không có trường hợp có 2/3 tổng số phiếu tín nhiệm thấp đến mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Kết quả tín nhiệm 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩnQuốc hội lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở đánh giá, sắp xếp cán bộNghe trình dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm

Qua chia sẻ của các đại biểu Quốc hội với các cơ quan truyền thông, tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình là đại diện của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được giao trọng trách lãnh đạo đất nước. Họ không phải chịu bất cứ sức ép hoặc sự tác động nào trước khi bỏ phiếu và sẽ đánh giá một cách công tâm, trung thực, khách quan. Để làm được điều này, các đại biểu không chỉ có quá trình theo dõi, xem xét, phân tích, đánh giá khách quan người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến, nhận xét của cử tri để bỏ phiếu một cách thấu tình đạt lý. Chính họ cũng chịu sức ép tâm lý khi bỏ phiếu, nếu lá phiếu  không phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri thì chính họ là người mất uy tín trước tiên.

Ở góc độ của những người được lấy phiếu tín nhiệm lần này, người có phiếu tín nhiệm cao nhiều đương nhiên sẽ phấn khởi, bởi những nỗ lực, phấn đấu, đóng góp của mình được ghi nhận và càng có động lực để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Với những trường hợp có số phiếu tín nhiệm cao thấp, số phiếu tín nhiệm thấp cao đương nhiên sẽ chịu áp lực rất lớn. Nhưng điều này sẽ giúp họ nhìn lại mình một cách khách quan, có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Tác động tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã được minh chứng sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội khóa XIII (6/2013), nhiều “tư lệnh” ngành, lĩnh vực có sự chuyển biến rõ rệt và chỉ hơn 1 năm sau (11/2014), trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, số phiếu tín nhiệm cao của các vị này tăng mạnh.

Lấy phiếu tín nhiệm là công việc hệ trọng, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử. Đây được xem là công cụ giám sát có tính chế tài cao hơn các hình thức giám sát khác, bởi nó còn là căn cứ để đi đến quyết định miễm nhiệm bằng thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”. Không chỉ ở Quốc hội, mà HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng từng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm 2010-2015.

Với Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh khóa VI cũng 2 lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh  bầu (tháng 7/2013 và tháng 12/2014), gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND và Trưởng các ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên của UBND tỉnh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai, có người có số phiếu tín nhiệm cao, có người thấp nhưng tất cả đều có số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm vượt 50%. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để rèn luyện, phấn đấu nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Với yêu cầu đổi mới công tác cán bộ theo Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trương ương khóa XII, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu trong Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội là điều cần thiết. Tùy theo tính chất, đặc thù vị trí công việc để xây dựng các tiêu chí, quy trình phù hợp để đánh giá đúng cán bộ, đảng viên, giúp lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân…

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top