ClockThứ Hai, 28/10/2024 12:32

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

TTH - Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Mất điện, ngập lụt, nước biển dâng cao, nguy cơ tiếp tục đe dọa sạt lở bờ biểnCông điện khẩn ứng phó bão số 6 Chủ động ứng phó với bão TRAMI và gió mạnh trên biển

  Lực lượng quân đội giúp di chuyển người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Thái Bình

Phát huy tính chủ động

Xã Phong Bình, huyện Phong Điền là một trọng những địa bàn nằm sát dòng sông Ô Lâu, thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa lũ đến. Nhờ chủ động và thường xuyên theo dõi, nắm tình hình nên người dân nơi đây đều chủ động các phương án ứng phó mỗi khi mùa mưa bão về.

“Thiếu gì thì thiếu, nhà nào cũng cố gắng sắm cho mình một chiếc ghe nhỏ. Đây là phương tiện phát huy hiệu  quả mỗi khi bão, lụt. Ghe vừa dùng để di chuyển tài sản cá nhân khi mưa bão, cũng là phương tiện để chúng tôi giúp nhau “chạy” lụt”, ông Nguyễn Văn Tiến, trú tại thôn Siêu Quần, xã Phong Bình chia sẻ.

Khi kinh tế ngày càng phát triển, nhiều gia đình vùng thấp trũng, ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng hơn với việc đầu tư xây dựng nhà cửa cao tầng, kiên cố. Trong câu chuyện với người dân nơi đây, ai cũng ý thức rằng phải cố gắng làm lụng, tích cóp, vay mượn để đầu tư xây dựng một ngôi nhà bằng bê tông, cốt thép, có mái bằng hoặc có gác lửng kiên cố để tránh, trú bão; di chuyển đồ đạc, lương thực, thực phẩm lên cao tránh lụt.

Ông Lê Thắng trú xã Phong Chương (Phong Điền) trò chuyện: “Phong Chương là vùng cát, cây cối còn thưa thớt. Mỗi khi mùa mưa bão đến, điều chúng tôi sợ nhất là gió bão. Vì vậy, dù còn khó khăn nhưng ai cũng cố gắng xây căn nhà có gác lửng kiên cố để tránh, trú bão. Gác lửng trở thành cái kho cao ráo, chắc chắn chứa tài sản, lương thực và cả gia đình mỗi khi mưa to, gió lớn, lũ lụt".

Hầu hết những người dân mà chúng tôi gặp đều có chung ý kiến, chưa chờ đến sự tuyên truyền, nhắc nhở của chính quyền địa phương, thấy ngoài trời mưa to, gió lớn là người dân, nhất là ở vùng thấp trũng, vùng ven biển, đầm phá đã chủ động ra chợ, tới các hàng tạp hóa mua một ít lương thực, thực phẩm đủ cho gia đình dùng những ngày mưa lũ.

“Lướt điện thoại, thấy Hue-S phát thông tin cảnh báo tình hình mưa lớn, bão đến là chúng tôi chuẩn bị cho gia đình thùng mì tôm, ít cá thịt, mấy bó rau…, rứa là đủ ăn cho cả nhà mấy ngày mưa lớn. Nếu mưa bão xảy ra, gây lụt lội kéo dài, chúng tôi cũng không lo đói”, bà Nguyễn Thị Thảo, trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền nói.

Người dân vùng thấp trũng vận chuyển lương thực, lúa gạo lên cao mỗi khi mưa bão đến 

Thực hiện tốt nguyên tắc “5 tại chỗ”

 Nguyên tắc “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh nâng lên 1 cấp để trở thành “5 tại chỗ”. Đó là, ngoài chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ thì vấn đề tự quản tại chỗ của người dân là một trong những khâu quan trọng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Yếu tố chủ quan, lơ là sau khi bão lũ đi qua đã trở thành bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mỗi hộ gia đình vùng thấp trũng. “Chứng kiến không ít thiệt hại, đau thương mất mát sau thiên tai nên giờ người dân ai cũng ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Tình trạng đánh bắt cá, vớt củi mùa mưa lũ, khi cơn bão đi qua đã giảm rất nhiều. Nguyên tắc “5 tại chỗ” ngày càng phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh”, ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Điền cho biết.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên diễn tập ứng phó với mưa bão cũng được các địa phương quan tâm. Trước mùa mưa bão, công tác này đã được các địa phương, nhất là ở vùng thấp trũng, ven biển, đầm phá chủ động tổ chức thực hiện. Qua diễn tập ứng phó với mưa bão, lũ lụt không chỉ trang bị thêm những kỹ năng trong xử lý tình huống của đơn vị, địa phương và ngành chức năng, mà quan trọng là làm thay đổi ý thức, nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống lụt bão.

Mới đây, tại tổ dân phố Viễn Trình, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang diễn ra buổi diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Sau diễn tập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện Phú Vang tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và lực lượng vũ trang trong triển khai công tác ứng phó với các tình huống bão lụt xảy ra trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Bình luôn lưu ý và nhấn mạnh, các địa phương vũng thấp trũng, nơi dễ xảy ra bão lụt phải chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” trong phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với các sự cố thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản khi mưa bão đến.

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2024 tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp nên người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong ứng phó với mưa bão. 

Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

TIN MỚI

Return to top