ClockThứ Hai, 18/04/2022 14:39

Bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông

Sáng 18/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Nhiều ý kiến tham gia vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệKhai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phạm Đức Long cho rằng: Quan điểm của Luật nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  (KH, CN&MT) Lê Quang Huy, về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT thấy rằng tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn. Doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông, tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên giới hạn độ rộng băng tần vì có thể ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn nhà mạng.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất là tán thành quy định việc đấu giá quyền sử dụng đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng như trong dự thảo Luật đã thể hiện nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chưa nên đặt vấn đề đấu giá đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng trong thời điểm hiện nay. Vì các nhà mạng viễn thông di động lớn ở nước ta hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chưa nên đấu giá.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị kế thừa quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như Luật hiện hành, tuy có quy định về đấu giá nhưng không thực hiện được. 

Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết (bổ sung khoản 4 tại Điều 45), Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Có ý kiến tán thành bổ sung chính sách này, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc đưa chính sách này vào dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy, đây là chính sách mới so với quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện hành.

Theo Tờ trình và hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chỉ nêu ra 4 chính sách. Chính sách "sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết" mới được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong quá trình xây dựng luật.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Quốc phòng là không đồng ý với chính sách này. Việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau. Việc sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau là không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ và tài chính doanh nghiệp.

Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn.

Đề nghị báo cáo thêm kinh nghiệm quốc tế cụ thể về cho phép phân bổ cùng một tần số, cùng một băng tần vô tuyến điện vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo đánh giá tác động về chính sách mới căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 để làm cơ sở đề xuất việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội là không phù hợp và Nghị quyết này mang tính chất thí điểm.

Từ những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án Luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Dự án Luật này sửa đổi không nhiều nhưng rất quan trọng và thận trọng. “Quan điểm là quán triệt, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng, nhất là trong môi trường chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trước đây băng tần ít người để ý, nhưng sau này khi nhận rõ vấn đề quan trọng của băng tần thì nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm. Cho nên việc sửa đổi Luật này là cấp thiết và quan trọng. “Băng tần là một loại tài sản công nhưng là tài sản quốc gia quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấm mạnh. 

Ủy ban KH, CN&MT cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về giải thích từ ngữ; quy định về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; quy định cụ thể một số nội dung cần điều chỉnh, hạn chế phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật…

Tiếp thu và giải trình thêm tại Ủy ban TVQH, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: Băng tần, tần số dùng cho mạng di động, hạ tầng số là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top