ClockThứ Bảy, 12/10/2019 10:49

“Quê tôi chưa thấy ai làm thế cả”

TTH - Đầu năm học, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh viết thư gửi cho thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Một bức thư hàm chứa nhiều nội dung hướng đến những ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống. Ngôn ngữ của bức thư gần gũi, cụ thể, chân thật… Nói chung là đọc “rất đã”.

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, hướng đến trường học kiểu mẫu

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam tại lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân. Ảnh: NGỌC MINH

Mới đây, giữa học kỳ thì ông bất ngờ đi dự giờ. Khi báo chí tường thuật về buổi dự giờ, cách thức dự giờ của ông Phan Ngọc Thọ, một bạn đọc comment như thể ngạc nhiên: “Quê tôi chưa thấy ai làm như thế cả”. Đọc xong bài tường thuật, tôi cũng ngạc nhiên như bạn ấy.

Một câu hỏi cứ “lởn vởn” và muốn thử tìm một câu trả lời – tại sao ông Phan Ngọc Thọ chọn tiết dự giờ là tiết học giáo dục công dân!? Tại sao ông không chọn giờ dạy toán, dạy văn hay một môn học nào khác?

Thử hỏi, có các bậc phụ huynh nào quan tâm đến tiết học giáo dục công dân của con em mình không? Có ai nhắc nhở con em mình quan tâm đến tiết học này…?

Nho giáo có cái hay là nhắc nhở con trẻ trước tiên phải học lễ. Lễ ở đây là lễ, nghĩa, trí, tín. Học gì thì học nhưng phải chú ý, người học phải học lễ, người dạy phải dạy lễ trước khi học “văn”, dạy “văn”.

Đã học thì điều gì cũng quan trọng. Dù có môn học gì thì cũng giúp cho học sinh hoàn thiện hai điều: Tri thức và nhân cách đạo đức. Thiếu một trong hai điều này thì khó có thể là một con người phát triển toàn diện.

Có vẻ như cách nhận thức của chúng ta về việc học có phần thực dụng. Thế cho nên nó mới sinh ra cái ý niệm “môn chính môn phụ”. Giáo dục công dân có phải là môn phụ chăng? Tại sao nó giúp cho con người phải biết về bổn phận của người công dân, biết cách để hoàn thiện nhân cách, đạo đức – nói như quan niệm Nho giáo là lễ, mà lại là môn học phụ!

Không biết ông Phan Ngọc Thọ khi chọn dự giờ môn giáo dục công dân có hàm ý gì, hay là ông mong muốn biết thái độ, quan niệm của thầy và trò như thế nào về môn học này?

Những hành động, cách thức ông Phan Ngọc Thọ thể hiện trong nhiều vấn đề về chỉ đạo, điều hành, riêng tôi, thấy ít nhất nó gieo vào lòng người một niềm hứng khởi. Tất nhiên, trong chỉ đạo, điều hành không chỉ có mình ông, nhưng ông là người có vai trò quan trọng. Tỷ như khởi xướng chương trình "Ngày Chủ nhật xanh". Xây dựng Huế xanh – sạch – sáng. Dự án một cuộc “đại di dân” ra khỏi kinh thành Huế để vừa bảo tồn di tích, vừa giúp ổn định, nâng cao đời sống của người dân. Tập trung xây dựng thành phố Huế theo hướng thành phố sinh thái và cũng không quên đến việc thúc đẩy xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Một cuộc hội thảo riêng gồm nhiều chuyên gia về nông nghiệp trong cả nước được tổ chức cho thấy phần nào điều đó. Thúc đẩy chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành cũng là mong muốn sự minh bạch của một chính quyền phục vụ.

Nói chung, tôi cảm nhận rằng, cách thức làm việc của ông Phan Ngọc Thọ cái gì cũng phải cụ thể. Có cảm giác “làm nhiều nói ít”. Và làm phải hướng đến hiệu quả. Cách làm này tạo ra nhiều “cảm hứng” cho bộ máy chính quyền và cả người dân.

THANH LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trường cao đẳng Du lịch Huế:
Nhiều tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL tặng bằng khen

Sáng 28/10, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường (28/10/1999 - 28/10/2024) và khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Đến dự buổi lễ, có các ông: Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Nhiều tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ VH,TT DL tặng bằng khen

TIN MỚI

Return to top