ClockThứ Năm, 06/09/2018 13:49

Nhân rộng mô hình dòng họ tự quản

TTH - Tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, cùng giúp nhau phát triển kinh tế... là nét nổi bật của các mô hình "Dòng họ tự quản (DHTQ) về an ninh trật tự (ANTT)" trên địa bàn tỉnh.

Ra mắt dòng họ “3 quản”

Xây dựng thôn xóm bình yên

Hồng Vân (A Lưới) là xã biên giới của tỉnh, có hơn 98% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là một trong những xã trọng điểm về ANTT của huyện bởi có vị trí địa lý tiếp giáp với nước bạn Lào, thuận lợi cho các loại tội phạm lợi dụng xâm nhập, hoạt động.

Đầu năm 2017, mô hình "Dòng họ Hồ tự quản về ANTT" đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới được thành lập tại thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân. Với 56 hộ gia đình, các thành viên trong "Dòng họ Hồ tự quản về ANTT" ở thôn Ka Cú 1 cùng nhau tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải.

Thừa Thiên Huế hiện nay có hơn 2.000 dòng họ, trong đó có nhiều dòng họ đã trở thành các mô hình tự quản về ANTT tại địa phương, hoạt động hiệu quả như: dòng họ Võ Đại (làng Nong, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), dòng họ Trần (thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), dòng họ Phan Phước (thị xã Hương Trà), dòng họ Trương Văn (xã Phong Hải, huyện Phong Điền)... Để các dòng họ phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT, phát kiển kinh tế gia đình, thì theo quy ước của dòng họ, những người đứng đầu các nhánh, phái, bậc cao niên trong họ phải làm nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, là chỗ dựa tin cậy để người dân trong họ kính trọng và học hỏi. Đối với mỗi hộ gia đình, phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân không vi phạm pháp luật, không được mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục, phòng chống tệ nạn xã hội.

Ông Trương Đình Văn, Trưởng họ, Trưởng Ban điều hành mô hình Dòng họ Trương Văn tự quản về ANTT (xã Phong Hải, huyện Phong Điền)  cho biết: “Những người trong họ tộc phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ các thành viên gia đình, dòng họ mình không vi phạm pháp luật để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống nhằm xây dựng thành công quy ước xây dựng dòng họ tự quản về ANTT. Cụ thể như: không để xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Trong gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục”.

Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, tình trạng con cháu vi phạm pháp luật của các dòng họ tự quản về ANTT giảm hẳn. Mỗi dòng họ trở thành một tổ tự quản, mỗi gia đình là một tổ hòa giải, góp phần giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống.

Hạt nhân của nhiều phong trào

Cùng với việc phát huy vai trò của các dòng họ tiêu biểu trong tự quản về ANTT, tại tỉnh còn có nhiều mô hình dòng họ điển hình trong thành lập các quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để con cháu học tập, phát triển kinh tế, điển hình như dòng họ Nguyễn Văn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), sau gần 18 năm hoạt động, dòng họ đã trao hơn 260 triệu đồng cho gần 1.000 lượt con cháu. Họ Phan (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), họ Văn Đình (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), họ Nguyễn Văn (thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc)... cũng rất tích cực trong các hoạt động khuyến học. Nhiều dòng họ trở thành hạt nhân trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Bên cạnh việc tự quản, tự phòng, tự hòa giải, cùng nhau phát triển kinh tế, các dòng họ trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với lực lượng công an trong đấu tranh tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; ký cam kết đảm bảo dòng họ không có người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, cờ bạc; chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông... Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng các dòng họ tiêu biểu tự quản về ANTT trên địa bàn tỉnh đã góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên trên mỗi vùng quê.

Hồng Nhung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Nhân rộng mô hình hay

Năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên xuống 14,6%. Các giải pháp, mô hình hiệu quả đang được chọn lọc triển khai trong cộng đồng.

Ngày Dân số Việt Nam 26 12 Nhân rộng mô hình hay
Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7

TIN MỚI

Return to top