ClockChủ Nhật, 29/01/2017 13:41

Mùa xuân, nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã nói…

TTH - Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Việt lại nhắc đến Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ qua, không còn được nghe thơ mừng Xuân của Bác, nhưng những lời Bác gửi lại vẫn sống trong ký ức nhiều thế hệ.

Mùa Xuân 2017 này, gợi chúng ta nhớ đến một ngày Xuân trong nửa thế kỷ trước - tháng 1/1967, Bác Hồ đã gặp gỡ, nói chuyện tại lớp Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện.

50 năm đã qua từ ngày ấy, tình thế đất nước hôm nay đã khác hẳn thời kỳ chiến tranh khốc liệt hồi đó, nhưng những điều Bác Hồ nhắc nhở vẫn thật gần gũi, thậm chí còn đậm tính thời sự nữa. Cũng là điều tất nhiên khi lãnh tụ là người quên mình vì sự nghiệp lớn của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Mở đầu cuộc nói chuyện, khi biết trong lớp có 131 đồng chí ở huyện về dự, Người hỏi: “Có bao nhiêu cô?”. Tiếng trả lời: “Thưa Bác, có 16”. Bác liền nói: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai…”

Nói theo ngôn ngữ “thời đổi mới” thì đó là cách nói “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, chứ không hề vuốt ve, tô vẽ để lấy lòng bất kỳ ai. Chưa dừng lại ở đó, Bác Hồ còn nêu ra các chi tiết, tính cách “ưu việt” của phụ nữ mà chỉ những người quan tâm đến đời sống quần chúng mới nắm được. Người nói: “… Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam…”

Và với ý thức tôn trọng quần chúng, không hề áp đặt chủ kiến của mình, Người hỏi: “… Có đúng thế không? Nếu Bác nói không đúng, các đồng chí cứ phát biểu”.

Sau tiếng đáp của lớp học: “Thưa Bác, đúng ạ.”, Người nói tiếp: “Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện phải đấu tranh mạnh…”

Như vậy, chỉ với “lễ nghi” chào hỏi mở đầu, chỉ như một chuyện vui ngoài lề, Bác Hồ đã “chạm” đến một vấn đề nhân loại phải liên tục đấu tranh suốt nhiều thế kỷ qua cho đến ngày nay. Chúng ta đều biết, các kỳ bầu cử, đại hội các ngành các cấp hiện nay luôn luôn đề “chỉ tiêu” nữ phải bao nhiêu phần trăm. Điều đó, chứng tỏ vấn đề nam nữ bình quyền vẫn là chuyện thời sự. Đây không chỉ là việc đòi “nhân quyền” cho “nửa thế giới” mà còn là biện pháp huy động sức mạnh toàn bộ lực lượng quần chúng vì sự tiến bộ chung của xã hội.  

Cũng là “chuyện bên lề”, sau khi nhắc nhở: “Chớ liên hoan lu bù… Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được…Tết sắp đến, do đó cần chú ý tiết kiệm…”. Bác Hồ nói tiếp: “…Nhưng có nơi, giấy gửi đi hình như chữ bị hao mòn, chữ “tiết kiệm” lại hóa ra chữ “tiết canh”!”

Bác Hồ đã sử dụng sở trường về lối nói dí dỏm, sinh động của mình một cách thật đích đáng; hơn thế, đây là sự tiên báo về một tệ nạn nhậu nhẹt không chỉ tiêu phí nhiều công quỹ mà còn là đầu mối gây ra nhiều sự tha hóa trong đời sống xã hội. Bác Hồ đã lên án gay gắt thói nhậu nhẹt, nhất là của cán bộ: “Dân người ta làm cả  ngày cả đêm mà một số ít người thì đụng tới cái gì cũng chén, mà lại chén nhiều, chứ không phải ít!”

Để khắc phục những tệ nạn đó, Bác Hồ đã thẳng thắn vạch rõ:

“…Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho…”

Trong bài nói chuyện, Bác Hồ còn đề cập nhiều nhiệm vụ lớn của đất nước thời kỳ đó, đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể các địa phương đã làm tốt hay chưa tốt những công việc đó, nhưng xin không nhắc lại vì nhiệm vụ chính trị bây giờ đã khác trước nhiều. Chính trong dịp này, lần đầu bác Hồ dẫn câu ca dao mà đến nay hầu như ai cũng thuộc: “…“Dễ mười lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong.”(*)

Đây cũng là bài học có tính thời sự, đồng thời có tính vĩnh cữu mà Bác Hồ gửi lại cho chúng ta trong mùa Xuân Đinh Dậu này, từ bài nói chuyện với lãnh đạo cấp huyện 50 năm trước…

(*) Xin lưu ý: Câu nói này trích từ bài ca dao “Dân no thì lính cũng no” do nhà thơ Thanh Tịnh sáng tác năm 1948, nhưng những năm qua, nhiều người đã lầm, tưởng rằng của bác Hồ nên thường viết rằng: “Bác Hồ đã dạy…” Nguyên văn bài ca dao như sau: “Trông lên thì thấy đầy sao / Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân / Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong /Thóc thuế mà có dân đong / Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi / Đêm nằm nghĩ lại mà coi / Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên? / Nhân dân là bậc mẹ hiền / Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo / Dân no thì lính cũng no / Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công”.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhanh chóng thích ứng, đảm bảo vận hành thông suốt

Sáng 2/1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế: Phan Quý Phương, Hoàng Hải Minh đã đến thăm, động viên, kiểm tra không khí làm việc tại 2 quận Thuận Hoá và Phú Xuân.

Nhanh chóng thích ứng, đảm bảo vận hành thông suốt
Mùa xuân của mẹ

Không hẳn đất trời khoác lên mình lá hoa đâm chồi nảy lộc, mùa xuân của Mẹ được dệt nên bởi rất nhiều yêu thương của những đứa con bộ đội biên phòng (BĐBP).

Mùa xuân của mẹ
Giọt mùa xuân nảy mầm

“Bao giờ cho đến ngày xưa”, luôn là một khúc điệu, một câu tự vấn khi người ta quen với những ca từ thời nào đó xa lắm lấp lánh trên mi mắt, chỉ để ngắm nghía giọt mùa xuân đang lặng lẽ nảy mầm ở trên bầu trời, dưới mặt đất hay chính trong lòng người.

Giọt mùa xuân nảy mầm
Đón mùa xuân

Từ giữa tháng 11, bức tranh thiên nhiên ở Huế bắt đầu được tô điểm bởi những sắc màu mới khi các công viên và điểm xanh trên địa bàn tỉnh “thay áo mới”. Những thảm hoa tươi được trồng tạo nên khung cảnh rực rỡ, tràn đầy sức sống, báo hiệu mùa xuân đang đến gần.

Đón mùa xuân

TIN MỚI

Return to top