ClockThứ Ba, 20/04/2021 07:00
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 2021

Lời Bác vang vọng núi sông

TTH - Về thăm Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), đến Bảo tàng Hùng Vương, dừng chân nơi bậc thềm Đền Giếng hay ngồi dưới bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với bộ đội, những hình ảnh và lời dạy của Người tại Đền Hùng vẫn còn vang vọng núi sông.

Đền Hùng hai lần đón Bác

Dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Trong suốt quãng đời gần 50 năm gắn với binh nghiệp, Thiếu tướng Nguyễn Hiền có 6 lần được gặp Bác, song lần thứ tư gặp Bác tại Đền Hùng khi Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308) ngày 19/9/1954 là lần ông được ở gần Bác lâu nhất và đáng nhớ nhất.

Thiếu tướng kể lại rành rọt, chi tiết: Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, Bác cùng với chỉ huy Đại đoàn đi từ hướng Đền Thượng xuống Đền Giếng. Tại sân Đền Giếng, cán bộ thuộc Đại đoàn 308 đã được gặp Bác, nghe Bác huấn thị.

Khi thấy Bác, chúng tôi đồng thanh hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác hiền từ ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, sau đó Người chủ động đến ngồi ở bậu cửa ngách của Đền Giếng. Chúng tôi chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Bác đề cập đến nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn. Bác nói: Phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường” bởi đó là kẻ thù chính trị trong hòa bình. Cần chống mọi hành động phá hoại vì kẻ địch còn lén lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ, chiến sĩ ta còn có những nhận thức và việc làm sơ hở thiếu sót; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ, phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau phê bình và tự phê bình, phải giữ tác phong giản dị, chất phác của người cách mạng. Rồi Người nói với cán bộ đại đoàn chúng tôi từng câu chữ như muốn chúng tôi khắc cốt ghi xương: Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Tám năm sau đó, năm 1962, Bác về thăm Đền Hùng vào đúng dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Tại đây, ngoài việc căn dặn ý thức chính trị, phẩm chất cách mạng với lực lượng vũ trang, Người còn nhắc nhở: “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”.

Lễ rước kiệu là một trong những nghi lễ chính thức trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: baodantoc.vn

Nhiều năm qua, Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với một vị thế mới, một tầm nhìn chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước - đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện, gần gũi và hấp dẫn du khách về với cội nguồn, là dịp để tỉnh quảng bá về hai di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; khẳng định ý nghĩa cùng những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ.

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, công đức của các địa phương, doanh nghiệp, của đồng bào trong và ngoài nước, tỉnh Phú Thọ đã làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong di tích. Toàn bộ khu I gồm có các công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng, đó là: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Lăng Hùng Vương, chùa Thiên Quang, Gác chuông, Bảo tháp, Cột đá thề, Đền Giếng và rừng nguyên sinh được bảo vệ, tu bổ đồng bộ, khang trang bằng các vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ kính. Các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối được khôi phục bổ sung. Khu sân vườn các đền được cải tạo, hệ thống đường hành hương tại Khu di tích được sửa chữa nâng cấp, trồng bổ sung các loại cây bản địa và các lớp thảm thực vật tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm hơn.

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng khẳng định: Các công trình tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần “để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” như lời Bác căn dặn.

Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2004) đến nay, Phú Thọ đã xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ và thu hút đông đảo du khách về bái Tổ.

“Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng nhắc nhở toàn quân, toàn dân ta giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Sau 59 năm ngày Bác về thăm, Đền Hùng đã trở thành Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việt Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Hai cuộc đời mới hồi sinh nhờ nghĩa cử cao đẹp

​Hai thanh niên bị suy thận mạn giai đoạn cuối ở Huế và Quảng Trị được “nối dài” sự sống từ tấm lòng của gia đình bệnh nhân chết não tại Phú Thọ. Hành trình vượt gần 800 km đưa tạng hiến về ghép thành công có sự chung tay của nhiều đơn vị, ban ngành.

​Hai cuộc đời mới hồi sinh nhờ nghĩa cử cao đẹp
Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

TIN MỚI

Return to top