ClockChủ Nhật, 01/10/2023 17:39

Linh hoạt thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù

TTH - Rà soát từng hộ nghèo và xác định được những nguyên nhân nghèo, diện nghèo chỉ là bước khởi đầu để đề ra giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đâu là những cách làm để đưa hộ nghèo thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 2,2% vào năm 2025? Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các nghị quyết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 

Thưa bà, để thực hiện thành công đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xây dựng những chính sách giảm nghèo đặc thù cụ thể gì?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương thành những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cụ thể để các ngành, các cấp thuận tiện trong việc triển khai đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ở địa phương. Gần đây nhất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20, trong đó có 6 nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù với 8 chính sách cụ thể, gồm: Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; Hỗ trợ xóa nghèo và cải thiện đời sống cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; Hỗ trợ trợ cấp xã hội hàng tháng cho hộ nghèo không có khả năng lao động; Hỗ trợ cho hộ thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo; Xóa nhà tạm cho hộ nghèo; Hỗ trợ ưu đãi lãi suất vay vốn cho hộ nghèo.

Trong số những chính sách đặc thù trên, theo bà liệu có nên tập trung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm vào chính sách nào hay không?

Để xây dựng, ban hành chính sách này, tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ đặc điểm, tình hình và các đặc trưng cơ bản của hộ nghèo trên địa bàn. Vì vậy, có thể nói cả 6 nhóm chính sách nêu trên đều là trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo được quan tâm thực hiện để giảm nghèo bền vững 

Chẳng hạn, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế không còn hộ có thành viên là người có công với cách mạng là hộ nghèo thì nhóm chính sách “Hỗ trợ xóa nghèo và cải thiện đời sống cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng” là trọng tâm. Hay để thoát nghèo bền vững, người nghèo cần tiếp cận nguồn vốn để tạo việc làm, cải thiện sinh kế thì chính sách hỗ trợ lãi suất là trọng tâm. Hoặc một trong những chiều thiếu hụt mà người nghèo khó khắc phục nhất là chất lượng nhà ở và mục tiêu được đưa ra đến năm 2025 không còn hộ nghèo thiếu hụt chất lượng nhà ở. Nên chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo là chính sách quan trọng.

“Tiền đâu” vẫn là vấn đề đầu tiên. Vậy khả năng phân bổ vốn cho các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 và 2 năm còn lại thì thế nào, thưa bà?

Để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 2,79% và đến cuối năm 2025 còn 2,0-2,2%, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và bản thân hộ nghèo thì vấn đề nguồn lực có yếu tố rất quan trọng, góp phần không nhỏ để đạt được mục tiêu giảm nghèo. Do đó, căn cứ theo nguồn vốn được Trung ương phân bổ trong năm 2023 và theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn được HĐND tỉnh quy định, UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ vốn để thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (gọi tắt Chương trình) trong năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 đã phân bổ 299.470 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 158.091 triệu đồng, vốn sự nghiệp 141.379 triệu đồng). Trong đó, ngân sách Trung ương 296.088 triệu đồng, ngân sách địa phương 3.382 triệu đồng.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch vốn 2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH xem xét, tham mưu Chính phủ phân bổ vốn thực hiện. Theo đó, trong năm 2024, dự kiến nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình là 281.271 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 125.754 triệu đồng, vốn sự nghiệp 155.517 triệu đồng).

Với nguồn lực đã và dự kiến được phân bổ thì vấn đề “tiền đâu” đã được bố trí đầy đủ, là cơ sở để thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Với tiến độ cũng như nguồn phân bổ vốn như bà nói trên liệu có gây trở ngại hay cần tạo điều kiện gì để các cấp, ngành, địa phương thực hiện công tác giảm nghèo?

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/8/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 111.148 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 79.114 triệu đồng; vốn sự nghiệp 32.034 triệu đồng) trên tổng số vốn 427.263 triệu đồng từ nguồn vốn được cấp năm 2023 và vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Với nguồn vốn được cấp hiện nay đã tạo điều kiện cho các cấp, ngành, địa phương có nguồn lực để thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo cho người dân và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Bên cạnh đó, với những lý do khách quan và chủ quan khác nhau, đến nay vẫn chưa đầy đủ hướng dẫn nên một số dự án đang chưa triển khai được hoàn toàn nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Một số dự án, tiểu dự án được phân bổ vốn nhưng để thực hiện giải ngân gặp khó khăn do không đảm bảo số lượng đối tượng tham gia thích hợp. Yêu cầu về thời gian cũng là áp lực cho các cấp, ngành, địa phương trong việc hoàn thành nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của các cơ quan Trung ương, chậm nhất trong tháng 10 sẽ tham mưu Chính phủ hướng dẫn các địa phương các tiêu chí còn thiếu (tiêu chí thu nhập thấp; định danh cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên…). UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh một số nội dung liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền nhằm làm căn cứ để các cơ quan, địa phương triển khai hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân thụ hưởng.

Mặt khác, đến nay, hầu hết các địa phương đã chủ động xác định, lựa chọn đối tượng, mô hình, dự án phù hợp với yêu cầu từng dự án. Hy vọng khi các cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản, việc giải ngân nguồn vốn sẽ đảm bảo tiến độ đề ra.

Xin cảm ơn bà!

Hoài Thương (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiên phong thực hiện xạ trị cho bệnh nhi: Dấn thân và hy sinh

Điều trị ung thư nhi có sự đóng góp quan trọng của xạ trị. Với nhiều đơn vị y tế, phương pháp này là một thách thức đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế trở thành một trong hai đơn vị hiếm hoi của cả nước triển khai xạ nhi gây mê nhờ có nhiều lợi thế.

Tiên phong thực hiện xạ trị cho bệnh nhi Dấn thân và hy sinh
Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách
Hy vọng có thêm nhiều chính sách an sinh đột phá

Cùng niềm phấn khích khi Huế sang trang mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động thêm hy vọng sẽ có những đột phá về chính sách an sinh, tiền lương để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên.

Hy vọng có thêm nhiều chính sách an sinh đột phá

TIN MỚI

Return to top