ClockThứ Sáu, 28/04/2017 09:51

Làng tôi sau chiến tranh

TTH - 1 - Trước mặt nhà tôi là nhà bác Chiu. Tính cách nông dân của bác nổi bật với những việc làm ngược đời không giống ai. Ví như cứ trưa đứng bóng khi mọi người đang nghỉ ngơi là bác vác cuốc ra đồng; còn những lúc trời mát mẻ thì bác hay nằm vắt chân lên thành cửa sổ nhà và hát bolero... Giọng bác khản đặc vì hút thuốc lá nhưng có nhiều đoạn nghe cũng rất mùi.

Cạnh nhà tôi là nhà chú Cứ. Chú bằng tuổi ba tôi, bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ. Chú kể: “Hồi tui ra học tập ở miền Bắc khi còn nhỏ, bác sĩ nói tui sống không lâu nữa, rứa mà bây chừ vẫn còn sống được, rứa là may”. Chú Cứ cũng thích hát những lúc làm việc, nhưng hát độc một bài “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”.

Chếch nhà tôi một chút là nhà ông Thắng, ông suýt soát tuổi ông nội tôi nhưng vẫn hay qua nói chuyện thân mật với ba tôi như một người bạn. Tôi chỉ thấy ông Thắng hát một lần duy nhất vào ngày lễ đầu năm của xóm. Lúc đó, ông đứng nghiêm như chào cờ rồi cất giọng trầm hùng: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…”. Ba tôi cũng ít khi hát, nhưng khi ông hát là hết mình giọng cao: “ Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng”...

Ông Thắng đi tập kết năm 1954, chú Cứ cũng ra Bắc học tập khi còn nhỏ. Bác Chiu và ba tôi ở làng rồi đi lính như bao trai làng khác. Khi chiến tranh, có thể họ ở hai đầu chiến tuyến; rồi cuộc chiến kết thúc, họ may mắn trở về, gặp lại những người hàng xóm cũ trong tình thương mến thương. Cái tình quê sâu thẳm đã là sợi dây kết nối những người đàn ông thôn trang này sống với nhau rất chan hòa, thương yêu và thẳng thắn trong mọi công việc. Hòa bình họ lại là những nông dân hiền lành, chất phác, cuốc bẫm cày sâu trên cánh đồng quê mẹ. Thỉnh thoảng, vào những đêm trăng sáng trước sân nhà tôi, những người đàn ông trong xóm lại ngồi bên ấm chè xanh cùng nhau nói chuyện xưa, chuyện nay, chuyện Bắc, chuyện Nam, chuyện ruộng đồng hay bao chuyện đời thường khác và luôn rộn rã tiếng cười…

2 - Tôi là một trong nhiều người may mắn không chứng kiến chiến tranh nhưng hậu chiến tranh thì mở mắt ra đã thấy. Tôi còn nhớ bậc thềm của nhiều gia đình quê tôi những năm đầu hòa bình không phải được xây bằng gạch hay bờ lô mà được đắp bằng đất sét và chất chung quanh là những chiếc vỏ đạn 105 li. Những mảnh bom vỡ có khi được làm thành chiếc cầu nhỏ bắc qua trước ngõ vào mỗi nhà; có khi được treo lên trên thân cây làm kẻng của đội sản xuất báo hiệu giờ ra đồng hay mỗi khi hội họp những năm đầu hòa bình.

Và, cũng chẳng ai dạy cả mà trẻ con xóm tôi có thể kể vanh vách từng loại vũ khí từ bom bi, M79, súng AR 15 rồi đạn đại liên, tiểu liên…

Nhớ cảnh cả xóm quê sáng rực lên đến mấy phút trong đêm giao thừa khi ông Tuần đốt quả pháo sáng nhặt được trong bụi cây trước nhà để chào năm mới. Rồi nữa là mùa gió Lào, trẻ con trong xóm đứa mô cũng bới cơm nước đi nhặt nhôm, đồng bán kiếm tiền ăn vặt. Tờ mờ sáng, cả bọn rủ nhau đi lên độn Ổ Gà, độn Thanh Hương, hay có khi ra tận biển Khê của Quảng Trị (những địa danh đã từng xảy ra nhiều trận đánh khốc liệt) để tìm phế liệu là những vỏ đạn bằng đồng rơi vãi, có khi là những chiếc bi đông, mũ cối của chiến tranh để lại… Chừ nhớ lại mới thấy lạnh cả người, bởi không ít lần, cả bọn cầm mấy viên M79 bằng nắm tay ném đùa nhau hay chuyện gõ đầu đạn đại liên lấy thuốc súng… đốt cho vui. Cũng may là trẻ con xóm tôi không đứa mô xui xẻo vì bom đạn phát nổ trong những lần nghịch ngợm như thế.

Có một buổi chiều, đang ngồi học, bỗng một tiếng bom nổ chát chúa cạnh trường làm nháo nhác cả cô lẫn trò. Một quả bom bi đã phát nổ và nạn nhân là nhóm trẻ chăn trâu, dùng bom bi để chơi trò bi sắt. Mấy chục năm rồi nhưng thi thoảng tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại cảnh hãi hùng buổi chiều hôm đó…

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ân tình giếng làng

Ông Đặng Chí Tâm cúi mạnh người, đưa tay khoát mặt nước, vốc một vốc nước đưa lên miệng uống ngon lành rồi nói: “Nước giếng Trau ni ngọt lắm cô. Cả làng An Bằng tui bao nhiêu đời đều nhờ vào giếng làng này mà có nước dùng trong sinh hoạt. Chừ văn minh hiện đại rồi, bà con dùng nước máy, nước giếng khoan nên không còn ai đi gánh nước giếng làng nữa. Nhớ ơn người xưa, con cháu đi làm ăn xa gửi tiền về tu sửa lại giếng làng, bảo vệ di sản của người lớp trước để cho con cháu đời sau biết ơn đó cô”.

Ân tình giếng làng
Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề

TIN MỚI

Return to top