ClockThứ Tư, 25/05/2016 14:00

Góp thêm tư liệu cho sách Lịch sử Đảng bộ xã Điền Môn (1930 – 2012)

TTH - Sách Lịch sử Đảng bộ xã Điền Môn (1930 -2012) do PGS.TS Nguyễn Văn Đăng chủ biên, được Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế ấn hành năm 2015. Sách do ông Hồ Tá Liễn, Bí thư Đảng ủy xã Điền Môn, huyện Phong Điền thể hiện trong lời nói đầu: “… Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ, đảng viên và Nhân dân để có sự bổ sung hoàn chỉnh hơn khi cuốn sách có điều kiện tái bản”. Tuy nhiên, khi đọc chúng tôi nhận thấy có một số thiếu sót về tư liệu nên phải cần được bổ sung.

Ở trang 11, sách viết: “Nhân dân Điền Môn rất hiếu học, vượt khó, cần cù, sáng tạo. Thời phong kiến đã có nhiều người thi đỗ làm quan mang lại vinh quang cho gia đình họ tộc, sớm nhất phải kể đến cụ Nguyễn Thanh Oai khai khoa Tiến sĩ cho xã 1840”. Tra cứu sách Quốc triều khoa bảng lục (bảng chữ Hán), tờ 32B – 33A khắc ghi: “Thiệu Trị Quý Mão: Sắc tứ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” Phạm Phú Thứ, Nguyễn Phiên, Vũ Văn Tuấn, Đỗ Phát, Nguyễn Thanh Oai”. (Thiệu Trị / Năm Quý Mão (1843): Sắc ban đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân: … Phạm Phú Thứ, Nguyễn Phiên, Vũ Văn Tuấn, Đỗ Phát, Nguyễn Thanh Oai) (1).

Căn cứ vào sách Quốc triều khoa bảng lục, chứng tỏ cụ Nguyễn Thanh Oai đỗ tiến sĩ năm 1843 chứ không phải năm 1840.

Ở trang 52, sách viết: “trong gia phả của họ Nguyễn Lê làng Vĩnh Xương có ghi: “Cao tổ Nguyễn Chật tiền Nguyễn triều chức phong đô đốc” (Ngài cao tổ Nguyễn Chật trước triều Nguyễn được phong đô đốc”. Nguyên câu này đã được viết và công bố trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung”, Huế, tháng 6/2008, tr.100; sau đó Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2009 (2). Đã là sách lịch sử khi viết nguyên văn thì phải trích nguồn (chú thích xuất xứ), qua đó mới tăng tính thuyết phục cho độc giả hơn.

Về nhân vật lịch sử, sách chỉ giới thiệu ba nhận vật ở làng Kế Môn như Nguyễn Lộ Trạch, Hồ Tá Bang, Hồ Tá Khanh; trong khi ở làng Vĩnh Xương có một số nhân vật tiêu biểu như Trần Gia Thiện, GS.TS Nguyễn Hoàng Phương… thì không thấy sách đề cập đến. Tôi xin bổ sung về tiểu sử của GS.TS Nguyễn Hoàng Phương.

Nguyễn Hoàng Phương có tên lúc học Trường Quốc Học Huế là Nguyễn Đình Công. Sinh ngày 27/3/1927 tại Huế. Quê quán: xã Vĩnh Xương, tổng Vĩnh Xương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên, nay là thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ tháng 11/1945, ông đã tham gia Vệ quốc đoàn, sau đó gia nhập Đội tuyên truyền xung phong Quảng Nam – Đà Nẵng. Cuối năm 1949, Nguyễn Hoàng Phương được cử đi học tại Trường trung học Huỳnh Thúc Kháng, (Hà Tĩnh) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tại đây tháng11/1949. Từ 1950 – 1952 học Trường khoa học cơ bản Nam Ninh (Trung Quốc) là Tổ trưởng Tổ phiên dịch tiếng Nga, sau đó Tổ trưởng Tổ khoa học tự nhiên của Trường phổ thông Nam Ninh. Tháng 10/1954, tiếp quản Thủ đô và dạy toán lý tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Toán Lý, kiêm chủ nhiệm bộ môn Vật lý lý thuyết, sau đó sang Liên Xô bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Vật lý Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam. Từ năm 1970, ông chuyển sang nghiên cứu triết cổ Đông Phương…

GS. TS. Nguyễn Hoàng Phương đã để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học về toán và vật lý lý thuyết, như: Phương trình phi tuyến của Trường Thống Nhất (1961) ; Những bậc tự do nội tại của vật chất (1964); Đông y học dưới ánh sáng lý thuyết của tập mờ; Tích hợp đa văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai (1995, 1996) và dịch nhiều sách giáo khoa về vật lý và toán.

Năm 1994, ông được mời đi dự Hội nghị giáo dục toàn cầu ở Pret (Đức) và ông đã được hoan nghênh nhiệt liệt nhờ bản tham luận nổi tiếng “Đơn nhất và đa dạng trong khoa học” đọc tại hội nghị. Tên tuổi của ông lúc này càng được nhiều người biết đến… (3). GS.TS. Nguyễn Hoàng Phương mất ngày 24/3/2004 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.

Ở phần phụ lục 6: “Danh sách Chi ủy, Đảng ủy, Bí thư, Chủ tịch xã qua các thời kỳ. Thời kỳ trước 1975, theo số thứ tự 8: 1965 – 1967?” (để trống). Tôi xin bổ sung giai đoạn này: “… Năm 1966, Nguyễn Thị Hoa được bầu là Huyện ủy viên, phân về công tác tại 3 xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương. Đến năm 1966, Hoa là Huyện ủy viên tăng cường qua các xã Phong Phú, Phong Thạnh, trực tiếp làm Bí thư xã Phong Thạnh. Cuối năm 1967, khu ủy Trị Thiên điều động Hoa lên chiến khu đi học, chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1968” (4).

Qua cứ liệu cho biết bà Nguyễn Thị Hoa làm Bí thư chi bộ xã Phong Thạnh từ năm 1966 – 1967.

Riêng ở các trang 21 và 82, sách viết: “Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm cho cải biến hệ thống hành chính các cấp ở Thừa Thiên Huế. Theo đó, Thừa Thiên Huế có 9 quận: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Hòa, Hương Điền. Riêng quận Hương Điền có 7 xã: Điền Hải, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền An, Điền Thái, Điền Môn. Như vậy, tên gọi Điền Môn chính thức xuất hiện vào năm 1958, gồm 2 làng: Kế Môn, Vĩnh Xương”. Tuy nhiên, theo văn bản lưu trữ của chúng tôi chính xác là năm 1957, bởi lẽ trong văn bản “Văn tự phân sản” được làm tại làng “Vĩnh Xương, đề ngày 11/11/1957” do ông Nguyễn Tấn Nhàn, đại diện xã Điền Môn viết và ký rất rõ ràng: “Điền Môn ngày 6/12/57 (1957)” (văn bản có đóng dấu đỏ xã Điền Môn).

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi chân thành xin đóng góp theo yêu cầu của sách Lịch sử Đảng bộ xã Điền Môn (1930 -2012) viết trong Lời nói đầu của cuốn sách.

Hồ Vĩnh


(1) Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Long Cương tàng bản, 1894. Tờ 32B – 33A.

(2) Nhiều tác giả, Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, Quang Trung, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.188.

(3) Nguyễn Quang Huỳnh, “Nguyễn Hoàng Phương – một nhà khoa học tận tụy, liên tục phát hiện cái mới”, Báo Thừa Thiên Huế, 24/3/2007, tr.4.

(4) Trần Phong (kể) – Nguyễn Quang Hà (ghi), “Anh hùng Trần Phong”, Báo Thừa Thiên Huế, 13/2/2014, tr.2

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm hơn 25.600 trang tư liệu Hán – Nôm được số hóa

Năm 2024, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã thực hiện số hóa tư liệu với 25.610 trang tư liệu Hán Nôm, tương ứng 584 đầu tư liệu. Việc số hóa này tập trung ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Thêm hơn 25 600 trang tư liệu Hán – Nôm được số hóa
Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp

Trân quý những tấm lòng hướng về di sản văn hóa Huế, Báo Thừa Thiên Huế kỳ này trân trọng giới thiệu những hình ảnh của tác giả Nguyễn Phúc Bảo Minh

Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp
Về làng xã số hóa tư liệu Hán Nôm

Hàng trăm ngàn trang tư liệu Hán Nôm nằm rải rác ở nhiều làng quê, họ tộc trên toàn tỉnh đã được xử lý, số hóa một cách khoa học, bài bản. Ít ai biết rằng, công việc ấy được một nhóm các cán bộ, chuyên gia của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đảm nhận một cách lặng thầm. Nhiều tư liệu Hán Nôm sau khi được số hóa cũng đã được công bố trước sự ngỡ ngàng của không riêng gì công chúng, mà còn với cả giới chuyên gia.

Về làng xã số hóa tư liệu Hán Nôm
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

TIN MỚI

Return to top