ClockChủ Nhật, 03/10/2021 16:42

Giá trị vĩnh hằng

Chủ nhật vừa rồi về thăm quê, ngồi uống trà cùng ông bác trong sân, bất giác nhìn ra đường bắt gặp mấy dì đang quẩy gánh đi chợ, trên gánh thấy có mấy mụt măng đầy mời gọi. Ông bác buột miệng: Ngày trước làng mình quy định rất nghiêm ngặt, độ này trở lên dân mới được phép hái măng đấy…

Làng mình mà ông bác tôi nhắc là làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Một làng rèn truyền thống nổi tiếng xứ Huế. Cũng như nhiều làng quê khác ở Việt Nam, Hiền Lương không thể thiếu vắng sự có mặt của những lũy tre xanh. Mà cây tre với dân ta ngày ấy thật sự vô cùng quan trọng. Tre giữ đất giữ làng, tre làm nhà làm cửa, tre đan thúng mủng, rổ rá, đan các loại ngư cụ, làm chõng giường, bàn ghế... Vậy mà lại có những người vô ý thức cứ bẻ măng, đẵn tre vô tội vạ khiến cho lũy tre của làng đối diện nguy cơ tàn lụi. Dân làng kể, trước mối nguy đó, làng đã có sớ trình tấu xin vua Minh Mạng ban cho làng “cơ chế” để bảo vệ lũy tre. Sớ của làng sau khi tâu trình về nạn tre bị chặt phá đã đề đạt và xin nhà vua chuẩn tấu: Cứ tháng 3 hàng năm, bất cứ nhà nào trong làng hoặc giả các làng, xã khác quanh tổng Hiền Lương đều cấm ăn măng tươi, cấm chặt tre già. Vua ngạc nhiên hỏi tại sao? Làng thưa: Những cây măng mọc vào tháng 3, tháng 4 đều to khỏe, gặp thời tiết tốt sẽ phát triển thành những cây tre già rắn chắc, rất ích lợi cho đời sống nên cần phải bảo vệ. Việc chặt tre vào những tháng này cũng sẽ làm cho măng dễ bị hư hại nên cũng cần được ngăn cấm. Còn từ tháng 7 âm lịch cho đến hết năm thường hay xảy ra bão lụt, măng khó sống qua khỏi cơn tàn phá của trời đất, tre thì cũng đã già lão nên thời điểm này có thể cho phép ăn măng, chặt tre. Nếu ai vi phạm thì đều phải bị trị tội tùy theo mức độ. Người nào phát hiện được những kẻ vi phạm thì sẽ được trọng thưởng, cũng tùy theo mức độ. Vua Minh Mạng nghe có tình có lý đã ngợi khen và chuẩn tấu. “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội” từ đó trở thành một luật tục đẹp của Hiền Lương và được mọi người nhắc nhau tự giác chấp hành.

Sau này bất ngờ đọc được một tài liệu, thấy thú vị là luật tục không bẻ măng, chặt tre của làng Hiền Lương cũng khá tương đồng với luật tục về thu hái măng của người Mường ở phía bắc. Luật tục của người Mường quy định bắt đầu từ khi các loại măng mọc cho đến trước ngày 20/6 âm lịch hàng năm, bất luận là ai cũng không được bẻ măng trong rừng hay trồng trong vườn nhà. Ai vi phạm dù là con trẻ, hay người lớn nếu bị phát hiện thì gia đình người đó phải nộp phạt cho mường. Luật tục này còn quy định các trường hợp thả rông gia súc vào rừng dẫm, đạp, làm đổ gãy măng thì chủ gia súc cũng phải nộp phạt cho mường. Đúng ngày 20/6 âm lịch hàng năm, làng phát hiệu lệnh cho phép, lúc đó người dân mới được thu, hái măng. Lý do có luật tục này cũng tương tự như làng Hiền Lương, theo kinh nghiệm dân gian Mường, quãng thời gian từ mùa xuân cho đến gần hết tháng 6 âm lịch, số lượng từ măng phát triển thành cây rất cao, vì giai đoạn này khí hậu, môi trường nóng, ẩm thuận lợi cho măng mọc, phát triển tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao. Từ tháng 7 âm lịch về sau, măng vẫn còn mọc nhiều, nhưng thời tiết vào mùa này thường có những cơn mưa dầm dài ngày nên phát sinh nhiều sâu bệnh hại măng, kèm theo gió, bão thường xảy ra quật đổ gãy măng. Do vậy làng mới cho thu hoạch măng ở thời kỳ này.

Bây giờ, đã xuất hiện những giống tre chỉ chuyên trồng để lấy măng; công nghiệp vật liệu cũng phát triển, cây tre không còn giữ vị thế quá quan trọng như trước cho nên quanh năm gần như tháng nào và ở bất kỳ đâu người ta cũng có thể có măng ăn. Dẫu vậy, vẫn thật khó tưởng tượng được làng quê Việt Nam mà thiếu bóng lũy tre xanh. Luật tục hái măng giờ đây có thể đã được thả lỏng, tuy nhiên, nó vẫn đằm sâu trong tâm thức và vẫn thường được nhắc lại trong những câu chuyện của dân làng. Không chỉ với măng tre mà còn gợi mở, nhắc nhở với người đời rằng, thiên nhiên đã chở che, nuôi dưỡng cuộc sống cho người thì ngược lại, người cũng phải biết trân trọng, bồi đắp cho thiên nhiên. Đó phải chăng là một nét văn hóa ứng xử tuyệt đẹp mang giá trị vĩnh hằng?

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã có những chia sẻ thú vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản để góp phần đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

TIN MỚI

Return to top