ClockChủ Nhật, 07/11/2021 20:52

Già hóa trong các cơ sở sự nghiệp công lập

TTH - Trả lời phỏng vấn trên Thừa Thiên Huế Cuối tuần số 1136 phát hành ngày 28/10, ông Hoàng Viết Trung, Giám đốc (GĐ) “mới toanh” của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế nêu lên nhiều trăn trở, trong đó có việc “già hóa” đội ngũ. Vì tính chất biên chế nên một thời gian dài, Trung tâm không nhận được người mới, đội ngũ cũ thì ngày càng già đi.

Ông Hoàng Việt Trung giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Đây là một thực tế không chỉ ở TTBTDTCĐ Huế mà còn ở nhiều đơn vị hưởng lương toàn phần hay một phần của Nhà nước.

Con người già đi là lẽ tự nhiên về sinh học. Có những công việc “gừng càng già càng cay”, ý nói là những công việc cần và phù hợp với người lớn tuổi. Họ càng làm lâu năm, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Ví dụ như công tác nghiên cứu, giảng dạy, chẳng hạn như ở môi trường đại học, những người có học hàm tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư được kéo dài thêm tuổi (nếu cơ sở giáo dục cần). Già hóa mà có đóng góp, cống hiến là điều cần thiết, nhưng già hóa làm cản trở sự phát triển là điều không tốt.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, ví dụ như TTBTDTCĐ Huế, tức là có một phần của hoạt động kinh tế thì nhất thiết, ít nhất trong điều hành hoạt động phải một phần nương theo các quy luật kinh tế. Đã là quy luật kinh tế thì phải lấy hiệu quả làm đầu. Có những công việc có thể không còn phù hợp với những người lớn tuổi (không phải là tất cả), ví như nghệ sĩ, đội ngũ thuyết minh (như ông Hoàng Viết Trung nói) làm cho ông trăn trở cũng phải. Trăn trở, có thể hiểu là đã thấy những bất hợp lý nhưng chưa có giải pháp phù hợp để giải quyết. Nếu để giải quyết cho được thì cũng cần phải có lộ trình, tức là những việc không thể giải quyết ngay được. Xét thuần về mặt kinh tế, điều này cũng gây ra những thiệt hại nhất định.

Nhưng như chúng ta đều biết, đã là đơn vị sự nghiệp công lập thì phải thực thi một nhiệm vụ nào đó của Nhà nước giao. Mọi công việc không phải lúc nào cũng phù hợp với các độ tuổi khác nhau. Để hạn chế sự không phù hợp giữa công việc với tuổi tác, đòi hỏi các đơn vị phải tính toán hết sức khoa học về việc bố trí con người. Bởi sử dụng con người là một việc khó. Càng không thể thực hiện theo cách “vắt chanh bỏ vỏ”. Luôn luôn tính toán sắp xếp, thay đổi sao cho phù hợp. Chúng ta có thể không khắc phục hoàn toàn những hạn chế thì cũng khắc phục được một phần. Điều này không có gì tốt hơn là tính toán khoán công việc cho từng bộ phận. Những đơn vị càng nhiều những công việc khác nhau, như ở TTBTDTCĐ Huế thì càng nên hoán đổi công việc phù hợp.

Về lâu dài, nhất thiết phải tìm giải pháp để tách bạch cho được tính chất công việc. Phần việc nào là những hoạt động sự nghiệp (buộc phải làm, không làm là không được, Nhà nước không làm thì không có hoặc rất ít người muốn làm) thì Nhà nước phải “bao cấp” chi phí. Phần việc nào là hoạt động kinh tế thì phải tính toán đầu vào đầu ra đầy đủ, tránh sự “nhập nhèm”. Không thể đã làm kinh tế rồi còn “bắt” Nhà nước bao cấp mãi?

Nói chung, không phải là quá khó để chỉ ra tính chất công việc. Cái khó chính là ở chỗ chúng ta có muốn làm, quyết tâm làm hay không mà thôi.

Như trên đã nói, để giải quyết chuyện già hóa, như ở TTBTDTCĐ Huế chẳng hạn, cần phải có lộ trình. Tức là không thể giải quyết trong ngắn hạn. Nếu đến một thời điểm nào đó giải quyết được “vấn đề già hóa rồi” thì không thể để nó lặp lại ở một chu kỳ khác, tức là phải cần một cách nhìn cũng dài hạn.

Trước đây, chúng ta đã từng bàn vị trí việc làm trong các cơ quan Nhà nước. Giờ không biết điều này đã làm đến đâu. Việc làm thì Nhà nước cần mới định ra công việc. Nếu nhìn ở khía cạnh kinh tế, Nhà nước “bao cấp” chẳng khác gì Nhà nước bỏ tiền ra để mua một sản phẩm, một dịch vụ công nào đó. Đã đặt hàng thì phải mua sản phẩm có chất lượng.

LÊ NGUYỄN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top