ClockThứ Bảy, 27/07/2019 16:52

Địa đạo An Hô được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh

TTH.VN - Địa đạo An Hô - nơi đóng quân và tác chiến của Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324 trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn từ năm 1973 ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. UBND huyện A Lưới tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng công nhận sáng 27/7.

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (thứ hai, phải sang) trao Bằng công nhận xếp hạng địa đạo An Hô là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Bá Trí

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã đến dự và trao Bằng công nhận xếp hạng địa đạo An Hô là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tham dự buổi lễ còn có đông đảo các Cựu chiến binh là những người từng trực tiếp chiến đấu, đào, thi công hệ thống địa đạo An Hô chiến lược này.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng miền Tây Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 324 quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 mở chiến dịch tấn công giành lại toàn bộ dãy An Hô, Tà Lương và cao điểm 620 ở hai bên trục đường 12. Từ đó xây dựng hệ thống phòng tuyến sông Bồ - An Hô - Tà Lương - cao điểm 620, nhằm bảo vệ vững chắc vùng giải phóng A Lưới, đồng thời làm bàn đạp để tấn công về Huế. Trong những kế hoạch được giao, nhiệm vụ xây dựng một địa đạo trên dãy An Hô đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, địa đạo còn được dự tính lâu dài cho việc tập kết, dự trữ trang thiết bị và vũ khí cho đơn vị trong các chiến dịch.

Các CCB Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 khảo sát tại địa đạo An Hô. Ảnh: Bá Trí

Để thực hiện nhiệm vụ này, Đại đội 2, Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324 tổ chức tấn công địch đang chốt giữ trên dãy An Hô. Sau hai tuần giằng co với địch, Đại đội 2 đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn 8 mỏm của dãy núi An Hô. Ngay sau khi làm chủ dãy An Hô, Đại đội 17 công binh của Trung đoàn 1 đã khảo sát thực địa và chọn vị trí sườn phía Tây mỏm 1 để đào địa đạo.

Tháng 01/1974, địa đạo An Hô hoàn thành, được thiết kế theo hình gần giống chữ U, dài gần 100m, gồm có 2 cửa ra vào, nối liền với các giao thông hào bao bọc xung quanh địa đạo và kéo dài trên dãy An Hô. Địa đạo có chiều rộng trung bình 2,0m, cao trung bình 2,3m, bên trong được khoét lõm vào thành các căn phòng, từ ngoài vào là phòng số 1, nơi sinh hoạt của Sở Chỉ huy Trung đoàn 1, cách phòng số 1 khoảng 38m là phòng số 2, làm nơi hội họp và đối diện là phòng số 3 sử dụng làm nơi tập kết lương thực, vũ khí và trang thiết bị…

Địa đạo An Hô đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng, án ngữ ở trục đường 12 (nay là Quốc lộ 49), phía Tây là vùng giải phóng A Lưới, căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tuyến hành lang chiến lược 559 (đường Hồ Chí Minh) đi ngang qua, là tuyến vận tải chiến lược quan trọng từ miền Bắc vào chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nối liền từ Bốt Đỏ về đèo Tà Lương – An Hô.

Bên trong địa đạo An Hô. Ảnh: Bá Trí

Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ vùng giải phóng A Lưới, địa đạo An Hô còn là nơi tập kết, dự trữ lương thực, trang thiết bị và vũ khí đạn dược để cung cấp kịp thời cho hệ thống phòng thủ An Hô – Tà Lương – sông Bồ và các chiến dịch ở mặt trận phía Tây Thừa Thiên Huế.

Đã 45 năm trôi qua, hiện nay hệ thống địa đạo và hàng trăm mét giao thông hào, nhiều ụ súng chiến đấu, hầm chữ A nằm trải dài trên dãy núi An Hô vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là những bằng chứng sinh động, minh chứng cho cuộc chiến đấu anh dũng của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 về một giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.-

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Địa đạo An Hô góp phần làm phong phú và đa dạng các loại hình địa đạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện sự thông minh, sáng tạo, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội Việt Nam.

Địa đạo An Hô là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của các thế hệ cha, ông. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước và biết trân quý những giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất của ngày hôm nay.

Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

Ngày 2/1, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa TP. Huế đã tiến hành họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và thông qua nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới

TIN MỚI

Return to top