ClockThứ Bảy, 01/05/2021 15:24

Có tay nghề, lao động được doanh nghiệp trọng dụng

TTH - Cần người qua đào tạo và nếu có thêm kinh nghiệm là ưu tiên số một của hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất công nghiệp khi tuyển dụng lao động. Với tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 66%, tăng hơn 10% so với cuối năm 2015 vẫn còn là con số “bấp bênh”, chưa đáp ứng được cơ cấu ngành nghề và thị trường lao động.

Gắn đào tạo nghề với thị trường lao độngThiếu lao động có tay nghề

Lao động có tay nghề luôn được doanh nghiệp trọng dụng

Thua thiệt khi thiếu tay nghề

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Thanh Thuyền là một trong số những lao động bị cắt lương, cắt hợp đồng tạm thời do nhà máy nơi chị gắn bó gần 10 năm không có đơn hàng. Nhân phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với gần 20 doanh nghiệp (DN) tổ chức tuyển dụng, chị Thuyền đăng ký tham gia phỏng vấn, ứng tuyển tại 2 DN chuyên may mặc ở KCN Phú Bài và KCN Tứ Hạ. Kết quả, do không có tay nghề may như yêu cầu của DN, chị Thuyền và nhiều người ứng tuyển bị loại.

Không chỉ người lao động buồn vì chưa xin được việc mà những DN tuyển dụng cũng khá thất vọng vì không đạt chỉ tiêu đề ra.

Bà Vũ Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Takson Huế, KCN Phú Bài chia sẻ, công ty đang cần tuyển thêm khoảng 50 công nhân cho chuyền may đang bỏ trống. Nhưng nhiều tháng nay kể từ khi đăng thông báo tuyển dụng, đơn vị vẫn chưa hoàn thành kế hoạch, do phần lớn lao động nộp hồ sơ đều chưa biết may, trong khi DN không có thời gian và cũng không có chính sách đào tạo.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, tại các sàn giao dịch việc làm diễn ra từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng hơn 2.100 vị trí việc làm mới từ lao động phổ thông đến các trình độ cao hơn, trong đó trình độ sơ cấp, trung cấp các nghề như may công nghiệp, cơ khí, điện... chiếm khá lớn. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng thành công sau các sàn giao dịch việc làm đạt thấp, do nguồn ứng viên tham gia sàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trình độ, tay nghề của các DN đề ra.

Nhiều DN chia sẻ, việc người lao động có hiểu biết và tay nghề ngay từ đầu sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động. Trong khi, nếu tuyển lao động chưa có hiểu biết và tay nghề, DN sẽ phải mất thời gian đào tạo và năng suất không đảm bảo theo tiến độ yêu cầu; kể cả khi đã được tuyển vào làm việc, nếu đơn vị giảm công suất, đối tượng nhắm đến đầu tiên để tinh giản nhân công chính là những người chưa thạo việc, trình độ tay nghề thấp.

Theo thống kê của ngành lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 66%, tăng hơn 10% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ chung gồm nhiều lĩnh vực, ngành nghề và để đạt tỷ lệ này còn có sự bắt tay của không ít DN khi phải đưa đi bồi dưỡng, đào tạo lại sau tuyển dụng. Một số ngành đào tạo, nhất là đào tạo lao động có trình độ cao ngành dệt may hay một số ngành, lĩnh vực DN mới đầu tư hoạt động sản xuất như chế tạo, điều hành máy móc, công nghệ thông tin... vẫn còn thiếu nguồn lao động trực tiếp do các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng như nhu cầu người học còn yếu và thiếu.

Trọng tay nghề hơn bằng cấp

Đến nay, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh đạt 592.946 người/603.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp ước khoảng 113.813 người, tăng 35.692 người so với năm 2005, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp chiếm 19,2%.

Tồn tại hiện nay còn vấp phải trong cung cầu thị trường lao động đó là số người đáp ứng yêu cầu tay nghề tham gia lao động trực tiếp còn thấp, một phần do tâm lý chạy theo bằng cấp, xem nhẹ kỹ năng nghề nghiệp khiến xã hội “thừa thầy thiếu thợ”. Điều này không chỉ làm giảm năng suất lao động toàn xã hội mà còn tăng tỷ lệ thất nghiệp. Rõ nét nhất và tác động mạnh mẽ nhất là qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát.

Phân tích sâu về vấn đề này tại hội thảo chuyên đề hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức vào giữa tháng 4/2021, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ rõ, cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam mất cân đối một cách trầm trọng. Hiện, xã hội, DN đang cần chính là lao động trực tiếp (sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng nghề) nhiều hơn lao động gián tiếp (trình độ cao) vì họ là lực lượng tạo ra sản phẩm trực tiếp, thực tế cho xã hội. Ông Vũ Xuân Hùng lấy ví dụ, Tập đoàn Viettel khi tuyển nhân lực họ chỉ cần 10% lao động kỹ sư, còn lại người họ cần chính là lao động có tay nghề, kỹ năng, lao động trực tiếp mà không đòi hỏi phải có bằng đại học.

Tương tự thực trạng ông Vũ Xuân Hùng phân tích, số người thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất là 38,1%, tiếp đến là tỷ lệ thất nghiệp đã qua đào tạo đại học trở lên chiếm 27,87%, cao đẳng chuyên nghiệp 9,77%, đào tạo dưới 3 tháng 6,38%, còn lại, nhóm có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là cao đẳng nghề 1,47%, trung cấp nghề 3,05%, sơ cấp nghề 3,54%.

Cũng theo điều tra của ngành lao động việc làm tỉnh, nhu cầu nhân lực của tỉnh giai đoạn tới là 163.698 lao động. Trong đó, đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,55%; cao đẳng nghề chiếm 6,42%; trung cấp nghề chiếm 12,16%; sơ cấp nghề chiếm 46,41% và trình độ tay nghề khác chiếm 30,16%.

Trước nhu cầu về trình độ kỹ thuật lao động này, việc xây dựng các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng tay nghề và ý thức trách nhiệm trong giai đoạn mới của tỉnh đáp ứng chiến lược phát triển là hết sức cần thiết, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Hiện, cả nước có khoảng 800 ngành nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Riêng Thừa Thiên Huế có trên 200 ngành nghề đang được đào tạo ở các trình độ từ dưới 3 tháng, sơ cấp đến cao đẳng. Với sự đa dạng các ngành nghề đào tạo, để tránh đào tạo giàn trải, thiếu chuyên sâu và định hướng lao động lựa chọn ngành nghề đào tạo mà thị trường lao động đang cần, các ngành chức năng cần đẩy mạnh nắm bắt kế hoạch đầu tư sản xuất của DN để dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cũng như ngành nghề cần tuyển dụng. Quan trọng nữa đó là cần sự liên kết và gắn trách nhiệm giữa nhà quản lý, nhà đầu tư, DN và các cơ sở đào tạo nghề để đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu lao động cho DN hoạt động và phát triển.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top