ClockThứ Năm, 31/05/2018 09:57

Cơ quan nào kiểm soát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý?

Dự thảo Luật PCTN không tách riêng quy định cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Quốc hội cần giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núiNhững điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung

Sáng nay (31/5), tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nội dung này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào chiều cùng ngày.

Không tách riêng

Theo ông Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo luật là quy định về trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đó, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.

Cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị khác, theo ông Lê Minh Khái, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải có giải pháp để khắc phục.

Chính phủ lựa chọn phương án có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, Chính phủ cho rằng nên giao chức năng chuyên trách này cho hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước.

Theo đó, luật giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lại cho biết, cơ quan này lựa chọn phương án khác. Cụ thể là đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án mà Chính phủ lựa chọn.

Tuy nhiên, đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Theo Uỷ ban Tư pháp, pương án này tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này. Ngoài ra, quy định này cũng đảm bảo tính khả thi khi xác minh tài sản, hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 2/1, Ban Thanh niên Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý dịch vụ buồng bệnh, cơ sở vật chất và Bảo vệ cùng Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai có hiệu quả Công trình thanh niên “Phòng chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” của tuổi trẻ Công an thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tốt an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

TIN MỚI

Return to top