ClockThứ Bảy, 07/05/2016 05:31
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 62 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2016)

Chiến thắng của những chiếc xe đạp thồ

TTH - Để đảm bảo hậu cần cho Điện Biên Phủ, người Pháp đã hoàn toàn tin tưởng vào đường tiếp tế bằng hàng không. Những tính toán chủ quan khi đánh giá về công tác hậu cần của đối phương để rồi chuẩn bị một phương án hậu cần sai lầm đã gây nên thất bại của Pháp. Nhưng cái đã đánh bại tướng Herri Navarre không phải là phương tiện...

Hơn 20.000 xe đạp thồ được sử dụng phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu BAVN

Một “dự án thiếu thực tế” ?

Với sức mạnh không quân chiếm ưu thế tuyệt đối, quân Pháp hoàn toàn tin rằng việc tiếp tế hậu cần sẽ rất thuận lơi, tạo điều kiện cho việc tiêu diệt Việt Minh một cách dễ dàng vì khả năng tiếp tế của Việt Minh rất yếu, dựa chủ yếu vào sức người, các phương tiện vận chuyển lại thô sơ, lạc hậu. Đại tướng Henri Navarre và cả Bộ chỉ huy của ông ta cho rằng, bộ đội của Võ Nguyên Giáp không biết sử dụng súng phòng không để chống lại sự đánh phá bằng máy bay trên toàn tuyến vận tải và lực lượng hậu cần của ông Giáp chỉ có thể duy trì một trận đánh kéo dài chừng 4 ngày. Hầu hết các sĩ quan của Bộ Tham mưu quân viễn chinh chia sẻ quan điểm này, cho rằng việc ông Giáp tập trung tới 4 đại đoàn trên hướng Điện Biên Phủ là một “dự án thiếu thực tế”. “Việt Minh là một đội quân hành tiến và tiếp tế đều bằng đôi chân, trong trường hợp một cuộc tổng công kích Điện Biên Phủ xảy ra, sức ép lên bảo đảm hậu cần sẽ tăng lên tới một nhịp độ mà quân Việt Minh sẽ không thể kham nổi quá một tuần” . Sử gia Jules Roy trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp đã viết về những tính toán của phía Pháp: “Một người dân công mang được tối đa 22kg, mỗi ngày đi được 20km và sẽ ăn hết 1kg gạo. Vì họ phải đi và về nên số gạo tiêu thụ sẽ là 2kg cho 20km. Muốn đi 180km thì ăn hết 18 kg gạo. Do đó số gạo mang để tiếp tế cho chiến trường thực tế chỉ còn 4kg” .

Khi xét đến khả năng vận chuyển vũ khí của Việt Minh vào chiến trường, giới chỉ huy Pháp cho rằng, Việt Minh không đủ khả năng vận chuyển pháo hạng nặng vào Điện Biên Phủ. Yên tâm về hậu cần cùng với những tính toán khác về chiến thuật, ngày 20/11/1953 quân đội Pháp bắt đầu đổ bộ lên Điện Biên Phủ và với sự giúp đỡ của không quân, tất cả trang bị khí tài, đạn dược, nhu yếu phẩm cũng theo lên với số lượng rất lớn. Với sự chuẩn bị kỹ càng, Điện Biên Phủ trở thành một cứ điểm bất khả chiến bại ở chiến trường Đông Dương thời kỳ đó. Nó được mệnh danh là một “con nhím”, một “cái bẫy”, một “cái máy nghiền nát Việt Minh”, “cái nhọt hút máu độc”... Với so sánh lực lượng và tính toán như vậy, ông Navarre rất “vui vẻ” cho rải truyền đơn “Thách tướng Võ Nguyên Giáp tiến công Điện Biên Phủ”.

Phương cách không thể ngờ tới...

Khi chấp nhận tiến hành trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng phải giải quyết bài toán khó khăn về bảo đảm hậu cần khi chiến trường ở rất xa căn cứ chính và lực lượng vận tải cơ giới trong tay ông còn rất nhỏ bé. Để đảm bảo cho cuộc chiến đấu dài ngày ở Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Minh đã chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch bằng những phương cách người Pháp không thể ngờ tới. Một đạo quân hàng trăm nghìn người vận chuyển lương thực, đạn dược đến Điện Biên Phủ trên những chiếc xe đạp, hoặc trên vai. Sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương đã được động viên vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên bộ đội Việt Minh được tập trung tới quy mô gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh. Để bảo đảm hậu cần cho chiến trường chính Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức người sức của từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc và cả nhiều tỉnh vùng địch tạm chiếm ở Bắc Bộ. Hơn 26 vạn người đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hơn 500 km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ thiếu thốn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Tác giả Jules Roy, trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp của ông (đã nêu) viết: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200 - 300kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

Trận pháo kích mở màn chiến dịch thành công của Việt Minh đã ngay lập tức cho thấy sai lầm của Pháp trong việc đánh giá công tác hậu cần của đối phương. Sau cuộc tấn công mãnh liệt, Việt Minh đã chiếm được Him Lam và Độc Lập ngay từ đầu để rồi từ đó khống chế được việc máy bay của quân Pháp hạ và cất cánh trên đường băng. Từ ngày 26/3/1954 không còn máy bay nào có thể cất, hạ cánh để vận chuyển thương binh được nữa. Điều đó đã đánh một đòn mạnh vào tinh thần chiến đấu của quân Pháp. Việt Minh thực hiện chiến thuật vây lấn, bám sát hàng rào quân Pháp, càng gây khó khăn cho công tác tiếp tế của Pháp. Hàng ngày có đến gần 50% trong số 150 - 200 tấn hàng thả xuống rơi vào tay Việt Minh, thậm chí cả kiện hàng trong đó có lon tướng để phong cho De Castrie cũng bị Việt Minh lấy mất. Tới ngày 16/4/1954, sân bay Mường Thanh đã bị chiến hào của Việt Minh cắt đôi. Sáng ngày 23/4/1954, Việt Minh đã hoàn toàn làm chủ sân bay. Cái “dạ dày của Điện Biên Phủ” chính thức bị cắt đứt. Và rồi cái kết cục bi thảm cuối cùng với quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đến vào lúc 17h40 phút ngày 7/5/1954.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là công tác hậu cần - tiếp tế. Những sai lầm xuất phát từ việc đánh giá quá thấp về khả năng hậu cần của Việt Minh. Chủ quan khi đánh giá về công tác hậu cần của đối phương để rồi chuẩn bị một phương án hậu cần sai lầm - dựa hoàn toàn vào đường hàng không - nên khi Việt Minh kiểm soát được sân bay thì Điện Biên Phủ trở thành một “ốc đảo” của quân Pháp. Chính sự cô lập này đã gây nên thất bại thảm hại, buộc Pháp phải từ bỏ chiến trường Đông Dương.

Chiến thắng Điên Biên Phủ là kết quả quyết tâm, nỗ lực của cả dân tộc, là kết quả việc giải quyết thành công nhiệm vụ bảo đảm hậu cần - yếu tố thường xuyên bảo đảm thắng lợi - cho chiến dịch. Đây cũng là chiến thắng của những chiếc xe đạp thồ được đẩy bằng lòng quả cảm và quyết tâm chiến thắng vô bờ bến trước những phi đoàn không vận hiện đại của Pháp.

TS.Ngô Vương Anh


1 Tham khảo tài liệu dịch của Lê Đỗ Huy - Sự kiện - Nhân chứng - http://www.qdnd.vn/qdndsubsite/vi-VN/89/70/84/84/84/291480/Default.aspx

 2  Jules Roy - Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, bản dịch của Bùi Trân Phượng, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr 378

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mong xây dựng sớm nhà bia Chiến thắng Thanh Hương

Đó là một trong những đề xuất, kiến nghị của cử tri xã Điền Hương trong buổi tiếp dân tại địa phương vào ngày 23/10 do đồng chí Võ Văn Vui, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền chủ trì.

Mong xây dựng sớm nhà bia Chiến thắng Thanh Hương
100 điều dưỡng ngành Y tranh tài rung chuông vàng

Ngày 24/8, Sở Y tế tổ chức hội thi tìm hiểu nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và thi điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi. Tham gia có 100 điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên đại diện cho các đơn vị trong ngành y tế.

100 điều dưỡng ngành Y tranh tài rung chuông vàng
Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO

Tuần qua nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: Chiến thắng vang dội của Công đảng trong cuộc bầu cử ở Anh, bầu cử Quốc hội Pháp và khả năng phe cực hữu nắm quyền, chia rẽ trong đảng Dân chủ sau màn tranh luận của Tổng thống Biden, hội nghị thượng đỉnh SCO đạt được một số kết quả quan trọng và triển vọng mới trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

Nóng trong tuần Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO

TIN MỚI

Return to top