Theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi THA xong, gia đình được nhận xác tử tù về mai táng. Tuy nhiên, do vợ T từ chối, sau khi THA xong, Cơ quan Công an sẽ đưa xác T trở vào Huế, chôn cất. Đoàn xe đưa tử tù từ Trại tạm giam Công an tỉnh xuất phát trong một ngày cuối năm, chiều hôm đó kết thúc cuộc hành trình tại tỉnh Nghệ An. Tất cả cán bộ tòa án, công an, kiểm sát viên, bác sĩ giám định pháp y… đều căng thẳng, tâm lý nặng nề khi chuẩn bị thi hành nhiệm vụ quá “đặc biệt”. “Hình phạt tử hình là tương xứng với hành vi phạm tội độc ác của kẻ giết người. Nhưng trong hoàn cảnh vợ T từ chối nhận xác chồng, sự “ra đi” của anh ta thật lạnh lẽo. Vậy nên những người đang thi hành nhiệm vụ, không ai là không có chút “tội nghiệp” cho bị án, một cán bộ tòa án chia sẻ.
Cũng vì tình người đó, ông Bùi Quốc Hiệp, Phó Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng THA cùng lãnh đạo Cơ quan Công an, thống nhất dù việc THA có thể chậm lại phải để cho tử tù được làm những điều cuối cùng như ăn sáng, viết thư để lại cho gia đình… một cách thoải mái nhất. Tuy nhiên, bữa cơm cuối cùng có đủ thịt gà, sữa, trái cây… T không hề đụng đũa. Đối diện với cái chết, tử tù bật khóc. Được cho ngồi trên ghế, nhưng hai chân T run bần bật, chết lặng. Sự động viên chân tình của cán bộ công an cuối cùng cũng trấn tĩnh được tử tù. T cầm bút viết những lời tạ tội với vợ con... Nước mắt rớt xuống khiến những dòng chữ run rẩy, nhòa nhạt.
Để cướp số nữ trang giá trị hơn 7 triệu đồng chị H đeo trên người, tối ngày 15/5/2010, T rủ chị H ra bờ sông Đại Giang (thị xã Hương Thủy) chơi. Chị H rủ thêm cháu Th cùng đi. Tại bờ sông Đại Giang, T lần lượt giết hai nạn nhân, bằng cách dùng cục đá đánh vào đầu, ngực khiến chị H tử vong, rồi buộc đá vào bụng kéo xác chị thả giữa dòng sông; kẹp cổ cháu Th kéo xuống mép nước bờ sông, dìm nạn nhân xuống bùn cho đến chết, kéo bèo lục bình phủ kín lại.
|
Sau khi các thủ tục quay phim, chụp ảnh, lăn tay… trước sự chứng kiến của Hội đồng THA hoàn thành, tử tù phải đi đến nhà THA. Quá trình làm các thủ tục, T không nói nổi một lời, chỉ gật và lắc đầu. Vậy mà, trước lúc bước chân ra khỏi căn phòng làm thủ tục, T bật nói, tội lỗi mình gây ra tự mình phải gánh chịu. T cảm ơn tất cả những cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh, đã động viên, giúp đỡ trong thời gian T bị giam giữ và xin được ôm quản giáo Lê Đức Thọ, người suốt 3 năm qua, ngày nào cũng ân cần động viên, khích lệ T sống tốt trong thời gian còn lại. Ngay lập tức, quản giáo Thọ chủ động đưa tay về phía tử tù. Một cái ôm siết chặt! Cái ôm giữa một người mặc sắc phục ngành công an đang thi hành nhiệm vụ của Nhà nước, pháp luật giao phó và một kẻ bị pháp luật trừng phạt bằng mức án cao nhất, trong bộ áo quần kẻ sọc của tù nhân, lúc này thể hiện tha thiết duy nhất, tình cảm giữa con người với con người, lời giã biệt cuối cùng, điểm tựa tinh thần để tử tù có được chút ấm áp mang theo trên con đường về cõi giá lạnh.
Được hai cán bộ công an dìu hai bên, tử tù lê từng bước chân chậm chạp, nặng nề vào phòng, chuẩn bị thi hành hình phạt. Chợt một cán bộ công an tất tả chạy ra ngoài tìm chai nước suối vì T xin được uống nước, hút thuốc. Thấy tử tù hút xong điếu thuốc, một cán bộ công an hỏi T muốn hút thêm điếu nữa không. Tử tù ngước ánh mắt bày tỏ lòng cảm kích, lắc đầu, rồi lặng lẽ lê chân theo mấy cán bộ công an đến bàn tiêm thuốc độc...
Khi trời sập tối, cũng là lúc nấm mồ tại nghĩa trang phía Bắc, TP Huế đắp xong. Đĩa trái cây, nắm hoa cúc và những nén hương các cán bộ chiến sĩ công an liên tục thắp, phần nào xua bớt sự lạnh lẽo quạnh hiu của một nấm mồ không có người thân, thiếu vắng những giọt nước mắt của người ruột thịt. Vị lãnh đạo ngành công an gửi gắm những người quản trang, quan tâm, chăm sóc, để người dưới mộ được yên lòng.