“Hôm đó” là ngày cách ngày T (20 tuổi) ra phiên tòa phúc thẩm tròn 1 năm. Theo nội dung bản án sơ thẩm: khoảng 8 giờ tối, T cùng 7 thanh niên khác tổ chức nhậu ở bờ phá (thuộc thôn 5 xã Vinh Hòa- Phú Vang). Tuy mồi nhậu chỉ mấy trái xoài xanh, nhưng không khí càng lúc càng “tưng bừng” và kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Nghỉ nhậu, một thanh niên rủ cả nhóm đi cà phê ở quán trong thôn. Đã quá khuya, quán không còn phục vụ nên cả nhóm kéo nhau đi hát karaoke. Đến nơi, quán cũng bắt đầu đóng cửa. Nhóm T vẫn không về mà đứng chơi ngay… bên đường tỉnh lộ.
Thấy có một xe mô tô chở ba người chạy đến, T ra đứng giữa đường, chặn lại gây gổ. T lấy mũ bảo hiểm đánh một cái vào người ngồi trước thì được những người trong nhóm T can ngăn. Lúc này, anh N và 2 người bạn vừa trong quán karaoke ra, cũng đến can ngăn, đẩy T ra. T lập tức lấy dao bấm trong người (mang theo gọt xoài làm mồi nhậu) đâm vào bụng anh N. Anh N được đưa đi cấp cứu, tổn hại sức khỏe 15%.
Trước giờ phiên tòa mở, T (được tại ngoại) tỏ ra rất bồn chồn. T nói, khi đó uống vào, bị men bia “điều khiển” nên T mới tỉnh queo đâm người khác như vậy, sáng mai tỉnh hơi men T đã sợ chết khiếp. Nhà nghèo, nhưng cha mẹ T phải chạy vay mượn 7 triệu đồng lo trả tiền thuốc men cho nạn nhân. “Cháu biết mình sai rồi, cháu thực sự hối hận. Chỉ vì men bia rượu chứ bình thường cháu không dám… Nhưng tòa (sơ thẩm) vẫn xử cháu 2 năm 6 tháng tù. Cháu xin giảm nhẹ mức án…” Nói đến đây, T cúi mặt (có lẽ để giấu ánh mắt rơm rớm).
Nhiều người đến dự phiên tòa tỏ ý tiếc, vì T vốn là người lương thiện, sinh sống bằng nghề thợ may. Sau phiên tòa phúc thẩm, nếu hội đồng xét xử có xét thì cũng chỉ giảm nhẹ được “chút xíu”, T vẫn phải đi tù, vẫn phải gánh tất cả mọi hệ lụy lâu dài của những năm tháng bị tù tội. “Nhưng đối với cháu, xử nhẹ hơn được ngày nào là quý ngày đó” - T vội vàng nói, sau khi vang lên hồi chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: “Hành vi phạm tội của bị cáo rất nguy hiểm, thể hiện tính côn đồ, hung hãn, xâm hại đến sức khỏe người khác, xem thường pháp luật và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, nên cần xét xử nghiêm. Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là bồi thường cho người bị hại, thành khẩn khai báo và xử phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù là không nặng”, do đó, đã không chấp nhận thỉnh cầu xin giảm án cho T.
Phiên tòa kết thúc, nhưng mãi lúc lâu sau, T mới chậm chạp nhấc những bước chân nặng nề ra chỗ để xe. Bây giờ đang được tại ngoại, T có thể quay về nhà cùng cha mẹ người thân. Nhưng chẳng bao lâu nữa, khi phải thi hành bản án, điều bình thường (mà vô cùng quý giá) đó, với T lại trở thành xa vời vợi! Đó là giá đắt đầu tiên mà những người như T phải “trả” cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Hầu hết các bị cáo gây án khi trong người có hơi men đều “đổ tội” cho men bia rượu. Khi ra phiên tòa, họ được hội đồng xét xử giải thích, rằng đó không phải là lý do, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mà ngược lại. Đáng tiếc, khi biết được điều đó thì tất cả đã muộn. “Người trong cuộc” chỉ còn biết “than thở”, giá như đừng quá chén, đừng say sưa…