ClockThứ Năm, 12/12/2013 05:17

Làm gương cho con cháu...

TTH - Cháu ruột ngồi ghế bị cáo, mặt lầm lì. Cậu ruột ngồi ghế bị hại. Bức xúc! Mẹ bị cáo cũng là em ruột bị hại, hết ngơ ngác nhìn anh ruột lại hướng ánh mắt đờ đẫn về phía con.

P.N.T.H (sinh năm 1995, trú tại phường Phú Cát, TP Huế) nhắn tin vào máy điện thoại di động của cậu ruột là ông N.T.A, mượn xe máy. Không thấy ông A trả lời nên H bực tức nhắn tin… chửi cậu. Giận đứa cháu hỗn láo, ông A đưa điện thoại đến nhà mách mẹ H (cũng là em ruột ông A). Không ngờ, ông A bị cháu dùng gạch “chọi” trúng đầu, chảy máu, thương tích 4%. Ông A có đơn đến cơ quan công an, vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Ngày 3/12/2013, TAND TP Huế xét xử H về tội “cố ý gây thương tích”.

Minh họa của Hương Trà

Kể tội

Trước tòa, bị cáo khai nhận hành vi dùng cục gạch ném trúng đầu cậu, gây thương tích. Tòa hỏi: “Vì sao bị cáo lại ném gạch vào cậu mình?” “Dạ thưa, vì trước đó bị cáo nhắn tin mượn xe máy mà cậu không cho”. Bị hại bức xúc: “Chính xác là hắn nhắn tin hỏi mượn tui xe máy, tui chưa trả lời thì hắn đã nhắn tin chửi tui, lời lẽ hỗn hào, mất dạy. Bực quá, tui cầm chiếc điện thoại có tin nhắn của hắn đến nhà để nói cho mẹ hắn biết để còn dạy con. Tui không ngờ, hắn lấy cục gạch ném tui, nhưng không trúng. Thấy đứa cháu mình hết sức yêu thương lại đối xử với mình như vậy, tui chán nản, quay về nhà cầm cây dao đưa cho người này (chỉ tay về phía em gái). Tui nói “người này” cầm dao giết tui luôn đi. Lúc đó hắn lại ném gạch lần thứ hai. Cục gạch trúng vô đầu tui, máu chảy đầm đìa…”

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, vì bị cáo thấy cậu cầm dao đến, sợ cậu gây tổn hại mình, nên mới gây ra hành vi đáng tiếc.

Kiểm sát viên lập luận, ngay khi bị hại đi tay không đến nhà bị cáo thì bị cáo đã ném gạch, nên không thể nói bị cáo phạm tội vì sợ, khi thấy bị hại cầm dao.

Bị hại gay gắt yêu cầu tòa xử bị cáo thật nặng để răn đe. Theo người cậu, trước đây ông đã từng rất thương đứa cháu này. Bất cứ đang làm gì, ở đâu, cứ nghe cháu hay em gái gọi điện thoại nhờ đưa đón nó đi học là ông bỏ công việc, cuộc vui với bạn bè. Người cậu giải thích, vì cháu của ông không được ngoan, sa vào hút bồ đà, ăn cắp tiền của cha mẹ nó để hút. Sợ cháu hư nên lúc nào ông cũng theo sát, hết lời khuyên can cháu.

Vị chủ tọa phiên tòa nhắc bị hại chỉ được có ý kiến liên quan đến hành vi gây thương tích của bị cáo đối với mình. Vậy nhưng, người cậu vẫn gay gắt hết kể tội cháu hư lại “buộc tội” do em gái và em rể không biết dạy con. Mẹ bị cáo chỉ biết ngơ ngác nhìn qua người anh ruột lại đờ đẫn nhìn đứa con đang tựa cả hai tay xuống vành móng ngựa, đứng gục mặt. “Sự việc xảy ra, vợ chồng tui dắt con qua nhà cậu xin lỗi, nhưng cậu không chịu. Cậu nói cậu kiện ra tòa cho tui không cất mặt lên được”. Người anh trai: “Con hắn như rứa nhưng hai vợ chồng hắn có thèm nói với tui lời xin lỗi mô? Mấy tháng sau mới xin lỗi thì còn tác dụng chi nữa…”. Em gái: “Anh mà không biết thương em…” 

“Vạch áo…”

Bị hại yêu cầu “phía” bị cáo bồi thường thêm tiền thuốc men, tính luôn giá trị chiếc áo bị dính máu. Tòa: “Trước đây anh đã nhận tiền bồi thường thuốc men và cam kết không có yêu cầu gì về khoản này nữa?”. Bị hại viện lí do, trước đây tưởng uống chừng đó thuốc lành vết thương. Té ra không lành nên yêu cầu thêm. Tòa hỏi bị hại đòi bồi thường thêm cụ thể bao nhiêu tiền thuốc men và yêu cầu xuất trình hóa đơn, chứng từ. Tại phiên tòa, bị hại không xuất trình được. Chủ tọa giải thích “Phiên tòa hôm nay, tòa không có cơ sở để giải quyết yêu cầu (bồi thường thêm) của anh vì anh chưa xuất trình được chứng từ. Nhưng nếu bác (yêu cầu) thì ảnh hưởng quyền lợi của anh. Chấp nhận thì ảnh hưởng quyền lợi của họ (gia đình em gái bị hại) nếu như anh tính cao. Do đó, tòa tách phần tranh chấp dân sự riêng. Sau này anh có yêu cầu thì viết đơn đề nghị tòa, kèm theo bản án (hình sự) và chứng từ. Tòa án sẽ giải quyết vụ án dân sự.” Bị hại nói sau này sẽ làm như vậy.

Mẹ bị cáo “tố”, anh trai mình không được bình thường, tính tình kỳ quặc. Có lẽ vì lý do đó mà vợ chồng anh không sống được với nhau, phải ly hôn. Cả ba đứa con đều sống với mẹ. Rồi chị tiếp tục dẫn chứng: “Ví dụ như hồi trước còn nhỏ, anh cho tui kẹo. Tui ăn. Đến khi anh tức giận điều gì, lại đòi kẹo. Tui xin tiền mẹ mua đền anh. Anh không chịu. Ý anh phải móc bằng được cái kẹo tui đã nuốt vào họng rồi. Kỳ quặc vậy đó!” Mẹ bị cáo nhiều lần khẳng định, con mình không hư nhưng người cậu cứ một mực “đổ thừa”. Bị hại nói như quát vào mặt em gái: “Con hút bồ đà, ăn cắp mà bảo không hư. Muốn tốt cho con thì phải dạy”. Mẹ bị cáo trả miếng: “Cũng do anh đánh chửi cha mẹ, con tui qua can ngăn nên anh tức”. Bị hại: “Tui to tiếng với cha mẹ là vì bực cha mẹ cứ cằn rằn việc tui yêu cầu khởi tố hắn (cháu)…”. Nhiều người có mặt trong phòng xét xử lắc đầu ngao ngán.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa xử bị cáo từ 5 đến 7 tháng tù. Mặt bị hại hằm hằm vì cho rằng đề nghị mức án như vậy là nhẹ. Mặt bị cáo và người mẹ bạc đi vì lo. Đến lúc tòa tuyên án, xử bị cáo 6 tháng tù, cho hưởng án treo, bị cáo mới hết căng thẳng. Mẹ bị cáo chắp tay trước ngực lầm rầm: “Xin cám ơn trời phật, cám ơn tòa, cám ơn viện kiểm sát, luật sư”. Người cậu tuyên bố sẽ kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với cháu. Một người đàn ông tuổi chừng ngoài bảy mươi đến xem phiên tòa, nghiêm khắc nói: “Trời phật răng giúp được, cũng chẳng ai giúp được nếu như không sớm về chấn chỉnh lại cách giáo dục con cái. Nhất là người lớn, phải sống làm răng cho tốt để làm gương cho con cháu. Để đến nước ni thì quá hỏng rồi…”

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Return to top