ClockThứ Năm, 27/06/2013 07:08

Không có “cò” nhưng còn lộn xộn

TTH - Báo Thừa Thiên Huế nhận được ý kiến của một số bạn đọc là cán bộ hưu trí, phản ánh: Tại Bệnh viện thành phố Huế nằm trên địa bàn phường Kim Long người đi khám bệnh không thể lấy được số (thứ tự) thấp để khám sớm. Lý do: có hiện tượng, “cò” đã “ẵm” trước, bán lại cho những người có nhu cầu.
 
Có hiện tượng, nhưng không phải “cò”
 
Người khám bệnh chờ làm thủ tục ban đầu tại Bệnh viện TP Huế
 
Sau khi nhận thông tin, 8 giờ 30 sáng 13/6, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện thành phố Huế (gọi tắt là bệnh viện). Lúc này, người khám bệnh tại cửa tiếp đón và làm thủ tục ban đầu cho bệnh nhân đông kín người. Chồng số thứ tự còn lại từ số 112 trở lên. Trong vai những người bận rộn, không có thời gian ngồi chờ đợi, cần mua số thứ tự thấp để được vào làm thủ tục khám bệnh ngay, nhưng khu vực trong bệnh viện không có “cò” nào bán. Tuy nhiên, khi ra khu vực cổng bệnh viện, chúng tôi được một thanh niên cho biết, giờ này không có “số thấp” nữa, đồng thời hướng dẫn, 10 giờ quay lại vào lấy số khám buổi chiều, hoặc 16 giờ đến lấy số khám ngày hôm sau. Nếu không tự vào lấy, thanh niên này sẽ lấy giùm. Chúng tôi hỏi: “Nếu lấy giùm vậy thì phải trả bao nhiêu tiền”. Người này nói: “Tiền bạc chi mô, cho tui đủ uống một ly cà phê là được”, sau đó lại nói: “Tui lấy giùm cho, 1 giờ rưỡi (tức là 13 giờ 30 phút) tới khám, đưa tui 5 nghìn (đồng)”. Đúng 13 giờ 30, chúng tôi quay lại cổng bệnh viện, người thanh niên buổi sáng đưa ra 2 miếng bìa ghi số 02 và số 03 có đóng dấu bệnh viện. Chúng tôi nhận số, đưa cho người thanh niên 10 nghìn đồng. Người này nói, còn một số nữa, để cho “mệ nớ” (ý nói có mệ đã nhờ từ trước).
 
Ngày 14/6, chúng tôi tiếp tục quay lại bệnh viện. Mới 6 giờ, nhưng đã có 7-8 người ngồi chờ trong khu vực tiếp đón người bệnh và làm thủ tục ban đầu. Họ cho biết, phải đi sớm như vậy để lấy được những số thứ tự đầu tiên. Chồng số thứ tự lúc này còn từ số 39 trở lên. Đến giờ bệnh viện bắt đầu làm việc, chồng số thứ tự găm bên cửa làm thủ tục chỉ còn những số rất lớn. Chúng tôi “la cà” khu vực cổng bệnh viện. Vẫn chỉ có người thanh niên ngày hôm qua là đồng ý lấy số giùm.
 
Lòng vòng số thứ tự
 
Theo thông tin từ Bệnh viện thành phố Huế, lượng người khám chữa bệnh tại bệnh viện rất đông. Có khi lên tới 400 người khám/1 ngày.
Nhiều buổi liền quan sát, chúng tôi nhận thấy khu vực phía trong bệnh viện không có hiện tượng “cò” bán số thứ tự. Trước cổng bệnh viện chỉ có một thanh niên “lấy giùm số” trong trường hợp ai đó có nhu cầu. Số thứ tự là 1 miếng bìa nhỏ, có ghi số, đóng dấu bệnh viện và ghi ngày, tháng. Tuy nhiên, ngày tháng thể hiện trong chồng số thứ tự rất lộn xộn. Ngày khám là 14/6, nhưng trên nhiều miếng bìa (làm số thứ tự), miếng ghi tháng 5, có miếng ghi tháng 6. Đó chính là lý do sáng sớm ngày 14/6, một chị cầm hẳn cả chồng số thứ tự, lựa số nào ghi đúng ngày hôm đó. Chị này kể, có lần chị đưa số vào khám thì bị nhân viên bệnh viện từ chối làm thủ tục, lý do số thứ tự chị đưa vào không trùng với ngày khám. Thực tế, chồng số thứ tự bệnh viện găm sẵn ở phòng tiếp đón, thể hiện ngày tháng lộn xộn như đã nêu trên, trong khi nhân viên “bắt lý” như vậy thì nhiều người khám bệnh đành chịu.
 
Theo quan sát, ngày 14/6, tại khu vực tiếp đón và làm thủ tục ban đầu, rất đông người chạy hẳn xe máy vào lấy số, rồi lại quay về nhà (hoặc đi giải quyết công việc khác), “canh” gần đến lượt mình mới tới hoặc đưa người thân tới khám. Có người lấy một lúc 2-3 số. Có người là bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện cũng tiện thể qua khu vực này từ sớm lấy số thứ tự khám vì người quen nhờ. Đến giờ bệnh viện làm việc, những người này chỉ việc thong dong đến làm thủ tục khám. Người không “nhờ vả”, đương nhiên bực mình, khó chịu, vì dù đến sớm, thì số thứ tự thấp cũng đã “mất mặt” đằng nào.
 
Bà Nguyễn Thị Y (phường Kim Long):
 
“Chưa bao giờ lấy được số thứ tự trước 20
 
Tôi hơn 70 tuổi, bị bệnh tiểu đường nên thường xuyên đi khám định kỳ. Mỗi khi chẳng may bị những chứng bệnh khác, tôi cũng đến bệnh viện thành phố để khám. Tuy nhiên, dù đi sớm cỡ nào cũng không thể lấy được số thứ tự thấp. Có lần phàn nàn về vấn đề trên, tôi được 2 người bạn già kể, họ bỏ ra 3-5 nghìn đồng để mua số nhỏ, do người đứng trước cổng bệnh viện bán. Tôi thì chưa bao giờ đi hỏi hay tìm người để mua như vậy. 3-5 nghìn đồng là số tiền rất nhỏ, nhưng tôi thấy làm như vậy là không phải, là tiếp tay cho sự không công bằng. Tôi “rút kinh nghiệm”, nếu hôm sau khám thì đi lấy số thứ tự từ 4 giờ rưỡi chiều hôm trước. Dù sử dụng đến biện pháp này, nhưng chưa bao giờ tôi lấy được số thứ tự trước con số 20.
 
Bà Trần Thanh L (phường Kim Long):
 
“Chưa có sự quản lý giám sát”
 
Có lẽ, cứ hết một buổi khám, cán bộ y tế lại gom số thứ tự lại, găm một chồng trước cửa phòng tiếp đón, chưa có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, nên người ta thoải mái đến lấy. Ai lấy và lấy bao nhiêu số cũng được. Do đó, có tình trạng trước ngày khám, những người ở gần bệnh viện, những người đang điều trị nội trú ở bệnh viện lấy giùm người quen của mình. Hoặc một người đi lấy số thứ tự cho nhiều người. Vậy nên, những người khác dù đi sớm cách mấy cũng không có được số thấp. Muốn “chạy đua” để được khám sớm, không còn cách nào khác là cũng phải đi lấy số từ ngày hôm trước. Điều này gây mất thời gian, đi lại phiền phức, mệt mỏi (cả về tâm lý). Vả lại, dù muốn, nhưng không phải ai cũng có thời gian, điều kiện để đi lấy số trước ngày khám, nên đành phải chấp nhận “đau khổ”, đến lấy số đúng ngày khám và chịu cảnh chờ đợi vì phải khám sau.
 
Giám đốc bệnh viện Trần Quốc Hùng:
 
“Sẽ kịp thời chấn chỉnh”
 
Chúng tôi tiếp thu những thông tin, phản ánh của người dân thông qua Báo Thừa Thiên Huế và sẽ kịp thời chấn chỉnh tình trạng liên quan đến số thứ tự khám bệnh. Tuy không có việc “cò”, mua bán số thứ tự như một số người nghĩ, tuy nhiên cũng có tình trạng người này ở gần bệnh viện, người khác đang điều trị tại bệnh viện lấy giùm những số thứ tự đầu tiên cho người quen. Cũng có tình trạng các cụ hưu trí đi thể dục từ sáng sớm, ghé vào lấy cả chồng số thứ tự, về cho nhiều người cùng đi khám. Do vậy, có người đến sớm mà không lấy được số thấp.
 
Qua sự việc này, chúng tôi sẽ thực hiện quản lý bằng cách, quy định trước giờ khám bao lâu mới đưa số thứ tự ra và mỗi người chỉ được lấy 1 số. Đã xảy ra tình trạng có người lấy số (hoặc nhờ người khác lấy số) nhưng mấy ngày sau mới đến khám hoặc không đi khám dẫn đến bệnh viện mất luôn số thứ tự. Để tránh tình trạng trên, đối với số thứ tự, chúng tôi sẽ làm 3 màu khác nhau, quy định màu nào tương ứng ngày nào trong tuần. Nếu hôm nay lấy số, nhưng mai mới đi khám là không được.
 
Phạm Thùy Chi (ghi)
 
Bài và ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Return to top