Cần giải quyết tranh chấp tại tòa án
Theo Hợp đồng thi công xây dựng số 530/2012/HĐXL ngày 16/3/2012 giữa Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và Liên danh Công ty CP Việt Trung-Công ty Đức Mạnh-Công ty CP Giao thông Đức Trung, Công ty Đức Mạnh được giao thi công đoạn đường từ Km 18+700 đến Km 22+448 trên tuyến đường Nam Đông-A Lưới (tỉnh lộ 74) do Bộ CHQS tỉnh làm chủ đầu tư. Để tổ chức thực hiện thi công công trình, Công ty Đức Mạnh đã thuê Công ty Liên Bằng thi công theo Hợp đồng số 26/HĐ-XL ngày 24/4/2012.
|
Hiện trường 2 xe của Công ty Liên Bằng (lúc chắn đường) trên đường tỉnh lộ 74, huyện Nam Đông
|
Ông Võ Văn Phú, Giám đốc Công ty Liên Bằng cho biết, quá trình thực hiện, Công ty Liên Bằng đã thực hiện 70% tiến độ công việc của hợp đồng. Tuy nhiên, do phía Công ty Đức Mạnh không thanh toán tạm ứng kinh phí cho Công ty Liên Bằng theo hợp đồng đã ký kết và biên bản làm việc ngày 16-1-2013 như hai bên đã thỏa thuận; đồng thời, tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng và cho xe vào chiếm lại công trình nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Mặc dù Công ty Liên Bằng có nhiều văn bản yêu cầu và trao đổi với Công ty Đức Mạnh nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến tranh chấp.
Ngược lại, tại Công văn số 09/CVĐM ngày 25/3/2013, Công ty Đức Mạnh cho rằng, Công ty Liên Bằng không đáp ứng được tiến độ thi công và đến nay chậm hơn so với hợp đồng đã ký kết là 4 tháng. Công ty Đức Mạnh đề nghị Công ty Liên Bằng thanh lý hợp đồng, rút toàn bộ máy móc, công nhân để Công ty Đức Mạnh tập trung thi công đảm bảo tiến độ trên toàn tuyến.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Hợp đồng số 26/HĐ-XL giữa hai công ty đã nêu rõ: Thời gian hoàn thành công trình là vào ngày 31/10/2012. Trong trường hợp bất khả kháng, hai bên sẽ bàn bạc và thống nhất, bổ sung thời hạn thi công (điều 3). Trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên nỗ lực tối đa chủ động bàn bạc để tháo gỡ và thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án có đủ thẩm quyền (điều 7). Như vậy, việc tranh chấp của hai bên cần đưa ra tòa án giải quyết.
Có hay không việc nổ súng?
Tại đơn đề nghị can thiệp, ông Võ Văn Phú cho rằng, ngày 1/4/2013, Công ty Liên Bằng và Công ty Đức Mạnh đã ký kết biên bản với nội dung yêu cầu Công ty Đức Mạnh chấm dứt thi công công trình đường 74 do Công ty Liên Bằng đang quản lý để đợi hai bên giải quyết dứt điểm tranh chấp. Tuy nhiên, ngày 4/4/2013, có 2 cán bộ mặc đồng phục công an đi đến hiện trường với công nhân Công ty Đức Mạnh buộc bảo vệ Công ty Liên Bằng đưa xe sang một bên và cho người, xe của Công ty Đức Mạnh vào công trình đường 74 để thi công. Khi bảo vệ không đồng ý thì 2 cán bộ mặc đồng phục công an này đã dùng súng bắn chỉ thiên hăm dọa và cho người tự cắt dây chìa khóa, đánh xe sang một bên để xe Đức Mạnh vào làm cho đến nay.
|
Ông Nguyễn Ngọc Sáu, bảo vệ Công ty Liên Bằng trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế
|
Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, sau khi nhận được đơn của hai bên, đặc biệt là cuốn băng ghi âm lời chửi bới, dọa nạt của Công ty Liên Bằng đối với công nhân Công ty Đức Mạnh (do công nhân Công ty Đức Mạnh cung cấp vào ngày 25-3-2013), nhiều ngày sau đó, Công an Nam Đông đã cử cán bộ vào hiện trường để nắm tình hình nhằm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện, nhưng không phát hiện điều gì bất thường xảy ra. Sáng 4-4, Công an huyện tiếp tục cử 2 đồng chí Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Đức Hạ vào hiện trường và ở đó đến 15 giờ. Vào lúc này, phía công nhân Công ty Đức Mạnh cho người vào công trình (gồm 4 xe múc) và tự đánh xe sang 1 bên để lấy đường đi. Theo báo cáo của 2 đồng chí công an thì hiện trường không xảy ra xô xát và phía công an cũng yêu cầu hai bên không được có những lời lẽ khích bác nhau, phải đảm bảo trật tự an toàn trong khu vực. Ông Hùng khẳng định: cán bộ Công an huyện Nam Đông nổ súng chỉ thiên là không có, bởi 2 công an viên này chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ là roi điện. Riêng việc cấp súng phải có sự phê duyệt của thủ trưởng đơn vị và biên bản bàn giao súng của thủ kho vũ khí. Hơn nữa, tại biên bản lấy lời khai giữa Công an huyện Nam Đông và ông Nguyễn Ngọc Sáu, nhân viên bảo vệ Công ty Liên Bằng, ông Sáu cũng khẳng định là cán bộ Công an huyện Nam Đông không nổ súng chỉ thiên. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời hai bên liên quan về làm việc cụ thể.
Trái ngược với lời phát biểu của ông Hùng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sáu (bảo vệ tài sản cho Công ty Liên Bằng) khẳng định: Công an huyện Nam Đông đã nổ một phát súng (không biết có phải thị uy với ông không). Súng mà cán bộ công an này bắn là khẩu súng lục (ông không rõ là K54 hay K59). Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Tại sao trong biên bản lấy lời khai của Công an huyện Nam Đông, ông lại khẳng định Công an huyện không nổ súng? Ông Sáu cho rằng, ông khai có nổ súng nhưng tin tưởng Công an huyện, nên ông không đọc lại biên bản ghi lời khai. Hơn nữa, ông không có kính để đọc lại... Riêng người đã lái xe của Công ty Liên Bằng sang một bên, ông Sáu khẳng định là người của Công ty Đức Trung (do Công ty Đức Mạnh thuê) vào làm tại công trường mà Công ty Liên Bằng đang quản lý từ đó cho đến nay.
Có hay không việc cán bộ Công an huyện Nam Đông nổ súng? Vấn đề này cần được ngành chức năng làm rõ để xử lý. Hiện nay, mấu chốt gây ra vụ việc giữa Công ty Liên Bằng và Công ty Đức Mạnh là tranh chấp trong thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết. Đề nghị hai bên gửi đơn đến TAND huyện Nam Đông để được giải quyết theo đúng thẩm quyền. Về phía Công an huyện Nam Đông cần giám sát chặt chẽ và có biện pháp cứng rắn đối với những ai có hành vi gây rối, nhằm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện trong thời gian 2 bên đang giải quyết tranh chấp.