“Bức xúc”
Đó là ý kiến của nhiều người dân có mồ mả phải di dời. Ông Thảo (72 tuổi), ở phường Hương Sơ (người có hơn 40 ngôi mộ, nhưng chỉ được bồi thường chi phí di dời 6 ngôi) cho biết: Khi đào lên, mộ nào ở dưới không có xương cốt thì không được chi trả chi phí di dời. Ông là người “kế thừa” nhiệm vụ quản lý, hương khói mồ mả của tổ tiên, dòng họ từ nhiều đời, nên “có” nhiều mộ như trên. Trong đó, có 24 mộ cách đây hơn 25 năm cải táng, di dời về khu vực Cồn Bù để giải phóng mặt bằng làm trạm điện và xây dựng Xí nghiệp 30-4. Tại thời điểm đó, việc di dời không được bồi thường chi phí. Người nào có bao nhiêu mộ thì được phát cho chừng ấy tờ giấy đỏ để bọc hài cốt đưa đi. “Nhiều mộ khi đào lên không còn xương cốt, chúng tôi phải thắp hương xin hương linh người đã mất rồi bốc mấy nắm đất, gói vào giấy đưa về Cồn Bù an táng. Hỏi bây giờ xương cốt ở đâu mà còn? Lấy lý do như vậy để không trả chi phí việc di dời, thật là vô lý, “ép” dân”- ông Thảo nói.
|
Cán bộ huyện Quảng Điền chỉ khu vực người dân xin mộ gió
|
Vừa qua, tại huyện Quảng Điền có thông tin người dân un, đắp 150 ngôi mộ giả để chờ tiền bồi thường khi di dời. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi đã di dời một số mồ mả ra khỏi khu vực đang làm đường vào khu công nghiệp, một số người dân họ Cao Xá (xã Quảng Vinh) un, đắp mộ tại vị trí lân cận để giữ đất (mục đích sau này dùng vào việc mai táng, không phải lợi dụng, nhận bồi thường. Chính quyền địa phương đã kiểm kê số mộ hiện tại chưa di dời, giải thích cho người dân biết khu vực này đã quy hoạch khu công nghiệp, “đóng cửa”, không cho chôn mới. Sau này nếu có giải tỏa, di dời, ngoài những ngôi mộ đã được kiểm kê, ngôi mộ nào “phát sinh” sẽ không được đền bù khi di dời. Người dân đã ký cam kết.
|
Ông Dọi (75 tuổi) cũng ở phường Hương Sơ cho biết, ban đầu, hội đồng bồi thường “bác” của gia đình ông 37 ngôi mộ, không chấp nhận chi trả chi phí di dời. “37 ngôi mộ này, gia đình tôi cũng cải táng cách đây hơn 25 năm, cùng đợt với ông Thảo và nhiều gia đình khác tại địa phương. Hồi đó, không có bồi thường chi phí di dời, hầu hết người dân lại còn nghèo khó, nên họ bọc nắm đất coi như là xương cốt còn lại của tổ tiên về Cồn Bù an táng. Riêng gia đình tôi có nhiều con cháu đi làm ăn xa, gom góp tiền bạc, mua tiểu sành đựng xương cốt người thân. Có mộ quá lâu đời không còn xương cốt, chúng tôi cũng “xin” 7 hoặc 9 nắm đất (tùy theo người mất là đàn ông hay đàn bà) bỏ vào tiểu sành, đưa về nghĩa địa Cồn Bù. Vậy mà “người ta” lại cho rằng gia đình tôi mới chôn số tiểu sành này xuống để lấy chi phí di dời. Bức xúc quá, tôi yêu cầu làm giám định hoặc khởi kiện ra tòa án. Đến lúc đó mới được chấp nhận chi trả”. Ngoài số mộ có tiểu sành, nhưng phải “đấu tranh” mãi mới được bồi thường, gia đình ông Dọi, cũng chung “cảnh ngộ” như nhiều gia đình khác, không được chi trả chi phí di dời số ngôi mộ khi đào lên không còn xương cốt.
Cơ quan chức năng: “Đúng chế độ chính sách”
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, quá trình thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu định cư Hương Sơ có liên quan đến việc di dời mồ mả. UBND TP Huế đã có Quyết định về phương án bồi thường, hỗ trợ di dời cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc kiểm kê, phê duyệt, niêm yết đúng theo quy trình. Mặc dù đã được phê duyệt (số mộ do chủ mộ kê khai), nhưng trong quá trình di dời có sự giám sát chặt chẽ từ chủ đầu tư, UBND phường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, hộ gia đình và có lập biên bản để chi theo thực tế, chứ không phải chi theo Quyết định. Nghĩa là, khi tiến hành đào lên, dưới mộ không có xương cốt, thì chủ mộ không được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ. “Không có kết luận mộ giả hay không giả. Thấy chủ mộ kê khai số mộ lớn mà mình khẳng định mộ giả là không có cơ sở. Đó chỉ là dấu hiệu bất thường trong quá trình kê khai”. Ông Tuấn cho biết như vậy và lý giải thêm, do có “dấu hiệu bất thường”, nên Trung tâm Phát triển quỹ đất đã báo cáo UBND TP Huế thành lập tổ công tác gồm đại diện các ban ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất, cơ quan công an để giám sát. Cơ quan công an tập trung vào những hộ có dấu hiệu kê khai số mộ bất thường. Sau khi làm việc, các hộ gia đình này cho rằng, đó là mồ mả do cha ông bàn giao lại qua các đời, tới đời họ tiếp tục quản lý, có hay không có xương cốt thì họ không biết.
Do chi trả bồi thường hỗ trợ di dời mộ theo thực tế (có xương cốt) nên số lượng mộ được bồi thường di dời giảm hơn nhiều so với con số hộ gia đình kê khai và được phê duyệt. Ông Tuấn cho biết, việc chi theo thực tế họ phải chấp nhận. Việc bồi thường đã “đúng người, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách”.
Theo số liệu do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cung cấp: Số chủ mộ: 24; tổng số mộ kiểm kê, phê duyệt: 453 mộ; số mộ xác nhận thực tế được thanh toán: 245 mộ; số mộ không được thanh toán: 208 mộ; tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ được phê duyệt: 1.098.000.000 đồng; số tiền thanh toán theo thực tế: 761.040.000 đồng.
|
Quyết định số 18/2011 ngày 1-6-2011 của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh) tại Điều 20 “Bồi thường về di chuyển mồ mả” quy định:
1. Mức tiền bồi thường được tính cho các chủ mộ bao gồm: chi phí về đào, bốc, di chuyển, đất cải táng, chôn cất tại nghĩa trang và xây dựng lại mồ mả áp đơn giá do UBND tỉnh quy định.
2. Đối với mồ mả, lăng mộ vắng chủ hoặc vô chủ thì chủ dự án chịu trách nhiệm di dời, chi phí được áp dụng theo khoản 1 Điều này.
3. Những trường hợp mộ chờ đã được xây thành quách thì căn cứ vào hiện trạng để tính bồi thường cho vật kiến trúc có trên đất, theo đơn giá do UBND tỉnh quy định.
4. Không bồi thường đối với các loại mộ giả.
5. Mồ mả sau khi được bồi thường đều phải di dời và cải táng tại nghĩa trang, nghĩa địa theo quy hoạch của địa phương.
|
Ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ (TP Huế):
“Đừng để người dân thiệt thòi”
Quá trình di dời mồ mả, UBND phường cùng tham gia giám sát, theo dõi, chứ không có quyền trong việc quyết định bồi thường hay không bồi thường đối với mỗi trường hợp cụ thể. Có những mộ đào lên không có xương cốt, nhưng để xác định là mộ thật hay giả là rất khó. Bởi theo người dân, có những mộ chôn đã lâu đời… “u u, minh minh” sao mà kết luận được. Việc giải quyết đền bù, nếu làm không chính xác, để thất thoát tiền của Nhà nước là không thể được. Nhưng để người dân thiệt thòi, chúng tôi cũng rất ái ngại. UBND phường Hương Sơ cũng như phường An Hòa đều rất mong muốn, việc bồi thường hỗ trợ di dời như nói trên, làm sao đừng để người dân phải thiệt thòi.
Ông Huỳnh Hào (phường Hương Sơ):
“Đề nghị giao cho cơ quan chức năng trực tiếp di dời”
Thực tế đợt di dời vừa qua, nhiều trường hợp rất thiệt thòi. Giá thuê di dời mỗi ngôi mộ là 500 nghìn đồng. Vậy nhưng, khi đào lên, hội đồng giám sát nói không có cốt nên không chấp nhận chi trả, thì quá “tội” cho người dân. Những gia đình đông con cháu, có thể huy động, sử dụng lực lượng lao động này còn đỡ khổ, chứ gia đình nào neo người, phải thuê mướn người ta, thì “cắn răng” mà chịu khoản chi trả này.
Để người dân không phải thiệt thòi mà Nhà nước cũng thực hiện đúng chính sách, theo tôi đợt giải tỏa sắp tới, tất cả các hộ kê khai số lượng mộ, sau đó, cơ quan chức năng trực tiếp thực hiện di dời số mộ này đến nơi khác. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và tiếp tục chăm sóc, hương khói cho vong linh tổ tiên dòng họ. Tôi nghĩ, cách làm này là đảm bảo và chính xác nhất. Phía bồi thường cũng không còn lý do gì để nghi ngờ người dân “gian lận”, lấy tiền bồi thường của Nhà nước. Còn người dân thì được đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Th.S, Luật sư Nguyễn Văn Phước (Trưởng Văn phòng Luật sư Huế)
“Cần xem xét những ngôi mộ này đã tồn tại trong khoảng thời gian bao nhiêu năm để có được phương án bồi thường chính xác”
Việc un đắp mộ giả, lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền bồi thường giải toả đã từng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một số vụ án. Mặc dù không cố tình lập mộ giả để nhận tiền bồi thường nhưng một số miền quê Thừa Thiên Huế có thói quen un mộ gió, giành phần đất ở các cồn mồ, cồn mả. Những ngôi mộ gió này phải được xem là mộ giả và không được bồi thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 của Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, mộ nào không có xương cốt thì không được bồi thường hỗ trợ là một điều bất hợp lý. Chỉ có mộ giả là không được bồi thường. Vậy chẳng lẽ tất cả những mộ không có xương cốt đều là mộ giả? Theo các chuyên gia giám định pháp y thì thi thể, xương cốt người sẽ bị phân huỷ hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 50 năm đến 100 năm tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng nơi chôn cất. Vì vậy cần xem xét những ngôi mộ này đã tồn tại trong khoảng thời gian bao nhiêu năm để có được phương án bồi thường chính xác.
Tất nhiên, để xác định mộ thật, mộ giả đối với số mộ không có xương cốt là một vấn đề nan giải. Nhưng nếu các ban ngành liên quan không chứng minh được đó là mộ giả thì nên bồi thường cho chủ mộ.
Thùy Chi (ghi)
|