Hội đồng xét xử hỏi một bị cáo: “Nhiệm vụ của bị cáo làm gì tại phòng trà” “Thưa, tổ trưởng bảo vệ và giải quyết những việc tại quán cho ổn thỏa”. “Vậy Tr và T thiếu tiền trả nhưng họ đã đồng ý để xe máy lại, các bị cáo đã đưa họ ra khỏi khu vực phòng trà, sao lại còn đánh họ”? Bị cáo này không thể trả lời. Những bị cáo khác cũng cúi mặt.
Người thân nạn nhân không còn nước mắt, tái nhợt trong những chiếc áo, khăn tang trắng, giữa đám đông người ken kín cả trong và phía ngoài khu vực phòng xét xử, khiến không gian vừa bức bối vừa lạnh lẽo trong cái nắng càng lúc càng gay gắt. Cứ mỗi câu các bị cáo trả lời hội đồng xét xử thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, đánh người với tính chất côn đồ, thì người thân của họ càng cúi thấp xuống như đang bị những ngọn roi vô hình quất vào tâm can.
Theo Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa: Những người trong Hội đồng xét xử cũng rất tiếc cho trường hợp sinh viên phạm tội này. Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ lưỡng, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, cho bị cáo được hưởng mức án phù hợp nhất, tạo cơ hội cho cậu ta cố gắng phấn đấu, cải tạo, sớm hòa nhập cộng đồng để bắt đầu lại cuộc đời.
|
Một người đàn ông lam lũ, trong tấm áo bạch phếch, xòe những bàn tay đen đúa chai sần ôm mặt, nhưng vẫn không giấu được nước mắt. Tìm hiểu mới biết, ông là cha của một bị cáo đang bị xét xử, từ tỉnh xa lặn lội về tham dự phiên tòa. Đáng tiếc và đau lòng hơn, bị cáo này trước ngày gây án, nguyên là sinh viên năm cuối một trường đại học tại Huế, đi làm thêm ở phòng trà. Người cha đau khổ nói lí nhí như bản thân mắc lỗi: “Gia đình tui khi nghe tin con phạm tội, bàng hoàng còn hơn cả bị sét đánh. Bởi hắn từ trước là đứa con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Khi hắn thi đỗ vào đại học, cả nhà tui tự hào và hi vọng lắm. Biết hắn đi làm thêm ở đó (ý nói phòng trà) gia đình tui cũng hoàn toàn đồng ý, vì có thể giúp trang trải cuộc sống khi xa nhà, vừa biết quý đồng tiền mình vất vả kiếm được. Sau này ra trường, con sẽ chín chắn, trưởng thành hơn. Ai ngờ...”
Chết lặng một lúc lâu, người cha mới như choàng tỉnh bởi đám đông thân nhân những bị cáo khác đang chen vào khu vực vành móng ngựa vừa khóc lóc vừa cố nhét vào những bàn tay bị còng nào bánh, nào sữa... Các bị cáo cũng vừa “trả lời” người thân bằng cách liên tục gật hoặc lắc đầu, vừa khóc. Biết bao nhiêu là ân hận, tiếc nuối những ngày bình thường hôm qua, sợ hãi vì tháng ngày sắp tới, trong những dòng nước mắt muộn ấy!
Giờ các bị cáo trở lại trại tạm giam rồi cũng phải đến. Cánh cửa đóng sầm lại, chiếc xe Công an chở các bị cáo rời UBND phường, nơi vừa diễn ra phiên tòa. Cha mẹ vợ... các bị cáo khác mếu máo, luống cuống gắng chạy theo chiếc xe “bít bùng” đang từ từ lăn bánh. Riêng người cha của cậu sinh viên nọ đứng sững như thể cả hai chân ông bị chôn xuống đất, những bàn tay chai sần chới với theo con!
Cho dù các bị cáo đã trót phạm tội ác, nhưng chứng kiến cảnh đó, không chỉ người trong cuộc mà nhiều người dự khán cũng không ngăn được nước mắt cám cảnh. Họ cũng chưa rời nơi xét xử, vừa xót xa cho những áo tang, khăn tang đau đớn vừa tội nghiệp cho “phía” người lầm lỗi. Lại những tiếng thở dài não nề mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ rằng “giá như...”
Người cha lại nghẹn ngào úp mặt bơ phờ vào hai bàn tay chai sần vì lao động, vì đổ mồ hôi để nuôi con ăn học. Đến lúc tòa tuyên án, “gọi” tên con ông với mức hình phạt 5 năm tù, ông giật bắn mình, một cách vô thức nhổm lên khỏi ghế, rồi bủn rủn ngồi phịch xuống, như không còn hơi sức.