Trưa ngày 10/12, gia đình ông H (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) tổ chức đám cưới cho con trai và con dâu (người xã Quảng Ngạn). Tiệc cưới đang tưng bừng, cô dâu chú rể đi chào bàn cụng ly với khách, thì một thanh niên bạn chú rể nhìn thấy một Việt kiều (anh con dì của cô dâu) ăn vận cầu kỳ, đầu tóc “gọt” rất lạ, nhuộm sợi xanh sợi đỏ, kính râm đeo ngược sau đầu. “Tức mắt”, bạn chú rể đến giật chiếc kính đen trên đầu thanh niên Việt kiều. Hai bên sừng sộ, nhưng được mọi người can ngăn. Ngô Đài (29 tuổi), thấy người làng mình bị “quê”, nên bàn bạc với bạn chú rể và một thanh niên khác (cũng ở xã Quảng Công) sẽ đánh “gã Việt kiều”.
Gần cuối buổi tiệc, cả ba người thấy “đối tượng” ra ngoài đi vệ sinh liền bám theo. Tại sân sau của tiệc cưới, H (21 tuổi) là em trai cô dâu, thấy nhóm thanh niên đang nhắm đến anh con dì của mình để gây sự, liền can ngăn. Thấy có kẻ làm “kỳ đà cản mũi”, Đài liền vung tay phải đánh mạnh vào phía sau gáy H. Cú đánh khiến nạn nhân loạng choạng, bỏ chạy được chừng 10m thì ngã xuống bất tỉnh. Tiệc cưới trở nên hỗn loạn. H được khẩn cấp đưa đi cấp cứu. Trong lúc H nằm tầng 6 (nơi tiếp nhận những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch) Bệnh viện Trung ương Huế, cha mẹ H phờ phạc, chầu chực góc cầu thang bệnh viện, lo sợ cầu khấn cho con tai qua nạn khỏi. Vậy nhưng, mọi nỗ lực của bác sĩ cũng không cứu được tính mạng nạn nhân. Sáng 13/12, H tử vong tại bệnh viện. Cùng ngày hôm đó, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Quảng Điền đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt khẩn cấp thủ phạm về tội “cố ý gây thương tích”.
Tang thương bao trùm nhà cha mẹ nạn nhân. Con chết thảm khiến cha mẹ H như người không hồn, vật vờ mỗi người một góc quan tài. Cứ mỗi lần ngước lên nhìn con trai đang tươi cười trong di ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói hương, mặt mẹ H lại méo mó vì đau. Mười lần sinh nở, người mẹ này mới “kiếm” được đứa con trai. H lại ngoan hiền, chẳng bao giờ gây sự với ai. Tốt nghiệp trung cấp y tế, mới xin được việc tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, chưa kịp đi làm thì H đã bị tước mất sinh mạng. “Chừ tui vẫn không tin nổi gia đình gặp đại họa chỉ vì chuyện “trời ơi”. Hoa cưới con gái chưa tàn đã thay hoa tang cho con trai…”, bố nạn nhân thều thào nói không thành tiếng. Rồi ông đờ đẫn nhìn về phía gian bếp, nơi mẹ của hung thủ ngồi lặng lẽ nhặt rau, rửa chén, đun nước pha trà... Ông hiểu mọi cố gắng nỗ lực của người mẹ này là mong muốn giảm nhẹ cho con trai phần nào tội lỗi. Thông cảm cho nỗi lòng cha mẹ, gia đình ông chấp nhận sự có mặt của bà.
“Thực ra hai bên vốn chẳng có hiềm khích hay thù oán gì. Chỉ vì bắt nguồn từ hành động ngông cuồng, phi lý của một vài thanh niên mà đại họa xảy ra. Mấy đứa choai choai, bốc đồng, không nói làm gì, chứ thằng Đài đã lớn tuổi, có vợ con, chủ của một gia đình mà vẫn cạn nghĩ như thế, thì thật là…” Một người bà con với nạn nhân trách móc.
Lời trách quả không sai. Hành động “cạn nghĩ” đã tước đoạt sinh mạng một thanh niên vô tội, đẩy bản thân hung thủ vào vòng lao lý. Gia đình nạn nhân tang tóc. Hung thủ bị bắt, để lại bố mẹ già yếu, một đứa con còn nhỏ dại và đứa kia đang nằm trong bụng mẹ. Nhà đã nghèo rồi càng khốn khó, vì bố mẹ Đài đang tính thế chấp ngôi nhà cấp bốn nhỏ hẹp, tường xi măng chưa kịp tô quét, bong tróc từng mảng, lấy tiền bồi thường, khắc phục phần nào hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của con mình gây ra.