Không đồng ý với các quyết định của phường
|
Nhà tạm của vợ chồng ông Trí tại 45/266 Phan Chu Trinh
|
Theo đơn tố cáo và lời ông Trí trình bày, ông Lê Hữu Hân (hiện sống tại Đà Nẵng) là một trong những người thừa kế di sản thửa đất số 77 tại 45/266 đường Phan Chu Trinh. Mặc dù không họ hàng, nhưng do quen biết nên năm 2001 ông Hân đồng ý cho vợ chồng ông Trí ở nhờ trên thửa đất để trông coi nhà cửa, vườn tược. Năm 2004, ông Hân viết tay hứa chuyển nhượng cho ông Trí 400m2 đất và một giấy uỷ quyền sử dụng đất, nhà với nhiệm vụ trông coi, sửa chữa... Năm 2010, giữa hai gia đình có tranh chấp nên ông Hân khởi kiện ông Trí. Qua hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án buộc ông Trí trả lại nhà cho ông Hân và những người thừa kế. Chấp hành quyết định của Tòa án, tháng 7-2012, ông Trí chuyển đi và làm nhà tạm bằng gỗ ở phía trước, góc trái nhà ông Hân. “Tôi chẳng lấn chiếm đất của ai sao cứ khăng khăng tìm mọi cách tước bỏ quyền và lợi ích chính đáng của gia đình tôi” - ông Trí đưa ra lý lẽ như vậy khi UBND phường An Cựu ra quyết định đình chỉ thi công công trình nhà ông Trí (ngày 23/7/2012) và sau đó là quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Thừa nhận sai phạm
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước khi gửi đơn đến Báo Thừa Thiên Huế, ông Trí đã có đơn gửi UBND TP Huế về việc xem xét khẩn cấp trường hợp xây dựng của ông. Song Chủ tịch UBND TP Huế trả lại đơn, yêu cầu ông Trí chấp hành các quyết định của UBND phường An Cựu và các quy định của pháp luật về xây dựng.
Ngày 29/5, ông Trí có gửi “Đơn xin cứu xét khẩn cấp” đến chính quyền phường An Cựu. Nội dung đơn ghi rõ: “Ngày 27-5-2013, tôi có nhận được đơn thông báo của UBND phường An Cựu về việc cưỡng chế. Việc tôi dựng nhà tạm trên đất là không đúng với quy định của pháp luật, tôi xin khắc phục”. Trong đơn ông Trí nêu hoàn cảnh gia đình khó khăn về chỗ ở, vì vậy đề nghị phường cho thời gian để ổn định cuộc sống và ông cũng tự nhận thấy “trong khi làm việc với phường, tôi có những thái độ không hòa nhã, mong các cán bộ phường bỏ qua. Tôi chân thành xin lỗi vì những gì tôi đã làm sai”. Như vậy, bản thân ông Trí đã nhận ra sai phạm của mình trong việc dựng nhà tạm trái phép trên khuôn viên đất không thuộc thẩm quyền. Nhận được đơn này, UBND phường An Cựu trả lời không có thẩm quyền giải quyết đơn cũng như không có cơ sở để xem xét chấp nhận yêu cầu của ông, bà; đồng thời, yêu cầu vợ chồng ông Trí “trả nguyên hiện trạng ban đầu như trước khi vi phạm, thời hạn trước ngày 26/6/2013”. Tuy nhiên, ông Trí vẫn không chấp hành.
Cần chấp hành quyết định cưỡng chế
Ngày 03/7/2013, chúng tôi có dự buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND phường An Cựu và vợ chồng ông Trí. Tại buổi làm việc, ông Trí vắng mặt, chỉ có vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Lan tham dự. Qua đối thoại, bà Lan đề đạt nguyện vọng: trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết việc chuyển nhượng đất giữa ông Hân cho gia đình bà, đề nghị phường tiếp tục cho gia đình bà ở tại ngôi nhà xây dựng trái phép có diện tích khoảng 30m2. Kết luận của người chủ trì cuộc họp là ông Đoàn Bình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu vẫn giữ nguyên quan điểm: buộc vợ chồng ông Trí, bà Lan chấp hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Sau đó, nếu vợ chồng ông Trí, bà Lan có yêu cầu hòa giải chuyện liên quan đến ông Hân, phường sẽ sẵn sàng.
Việc xây dựng ngôi nhà trên phần đất không thuộc thẩm quyền của vợ chồng ông Trí đã quá rõ. Chúng tôi đồng quan điểm với ý kiến của ông Phan Đăng Phú Khánh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Trưởng Ban thanh tra nhân dân phường khi cho rằng: “UBND phường đã nới thời gian cho vợ chồng ông Trí tháo dỡ công trình vi phạm. Vì vậy, gia đình ông nên chấp hành các quyết định, thông báo của phường”. Qua vụ việc này, lãnh đạo phường An Cựu cũng cần kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc quản lý công tác xây dựng trên địa bàn. Phải cương quyết xử lý các vi phạm trong xây dựng khi mới phát sinh để tránh những chuyện phức tạp về sau.