ClockThứ Hai, 24/08/2020 14:32

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Nam Đông: Phù hợp thực tiễn

TTH - Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương và người dân, tránh lãng phí là mục tiêu huyện Nam Đông hướng đến nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với đời sống đương đạiPhát triển đào tạo kỹ năng và chất lượng nghề nghiệp

Lớp học nghề may mặc thu hút đông đảo lao động trẻ tham gia

Học là có việc

Trước đây, chị Trần Thị Ép (sinh năm 1989, xã Thượng Long) sống bằng nghề làm rẫy, thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình khó khăn.

Cuối năm 2017, khi địa phương có chính sách hỗ trợ lao động học nghề, chị Ép đăng ký tham gia lớp học may do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp (GDTX&HN) Nam Đông chiêu sinh.

Sau khóa học nghề may 3 tháng, có tay nghề cơ bản tốt, chị được trung tâm giới thiệu việc làm tại Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora đóng trên địa bàn huyện. Sau thời gian học việc và được hưởng phụ cấp, chị Ép chính thức trở thành lao động của công ty với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng.

“Làm việc tại công ty có thu nhập ổn định, lại được đóng các loại bảo hiểm và phúc lợi khác nên rất yên tâm. Để gắn bó lâu dài với công ty, quan trọng nhất là phải có tác phong làm việc nghiêm túc”, chị Ép chia sẻ.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm GDTX&HN Nam Đông cho biết, hiện các lớp đào tạo nghề may đạt hiệu quả khá cao, với khoảng 60% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm tại các công ty trên địa bàn hoặc ngoại tỉnh và may vá tại nhà.

Theo thống kê, mỗi năm trung bình Trung tâm GDTX&HN Nam Đông đào tạo trên 200 học viên; các học viên tham gia sẽ được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ. Hiện đơn vị tập trung đào tạo 2 nhóm ngành chính là  nông nghiệp và phi nông nghiệp như.

Nhóm ngành phi nông nghiệp đa phần là nghề may mặc bởi trên địa bàn huyện hiện có doanh nghiệp (DN) may, thuận tiện tìm việc làm. Với nhóm ngành nông nghiệp, trung tâm tập trung đào tạo các lớp kỹ thuật cây, con giống chủ lực gắn với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện như: chăm sóc cam, chăn nuôi, cạo mủ cao su…

Để tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia, trung tâm còn đưa các lớp học về tận địa phương và tạo sự linh hoạt trong chương trình đào tạo. Chẳng hạn, với lớp học chăn nuôi gà, trung tâm trích một phần kinh phí hỗ trợ mỗi học viên 10 con gà giống để thực hành và làm vốn sau khi tốt nghiệp.

Tập trung nâng chất lượng

Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nam Đông cho biết, thực tế con số lao động trẻ trong độ tuổi ở địa phương khá lớn nhưng nhu cầu học nghề lại chưa cao. Mỗi năm toàn huyện chỉ có khoảng 400 lượt lao động đăng ký tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và trung hạn. Do đa phần lao động trẻ ở địa phương thường đi làm ăn xa và người dân vẫn giữ quan niệm thích lao động tự do, ăn lương theo ngày nên chưa nhiều người đăng ký tham gia.

Nhằm thu hút người học, những năm qua, huyện thường xuyên tổ chức các diễn đàn hướng nghiệp cho học sinh THPT, tuyên truyền thông qua các hội đoàn thể địa phương và tăng cường mở các sàn giao dịch việc làm. Định kỳ hằng năm sau Tết Âm lịch, tận dụng thời điểm lao động đi làm ăn xa về quê, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối DN xuất khẩu lao động, tổ chức tư vấn, định hướng cho lao động có độ tuổi từ 18 đến 40.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế và có cơ hội làm việc ngay sau khi tốt nghiệp như: may mặc, cạo mủ cao su, chăm sóc cam, chăn nuôi… Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn gặp một số khó khăn, như hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư từ lâu nên khó đáp ứng chương trình dạy và học; mức tiền hỗ trợ theo Quyết định 1956 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” chưa phù hợp do đã có hiệu lực từ 10 năm trước.

Theo ông Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55 - 60%. Phòng LĐTB&XH huyện đang tiến hành xây dựng và tham mưu đề án tạo nghề trong giai đoạn mới với các chính sách phù hợp khi Quyết định 1956 sẽ hết hiệu lực trong năm nay.

Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân học nghề, gắn với việc rà soát lại nhu cầu thực tế của địa phương để đào tạo theo phương thức đón đầu và phát triển thêm ngành cơ khí còn nhiều tiềm năng.

“Riêng với Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora, chúng tôi dự kiến phối hợp đào tạo và thực hành ngay tại nhà máy để học viên lớp may mặc sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và dễ dàng được công ty tuyển dụng”, ông Hóa cho biết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top