ClockThứ Năm, 04/01/2018 13:51

Xóa dần thói quen lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

TTH - Sau đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự lòng đường vỉa hè cách đây 8 tháng, hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Huế lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và đậu, đỗ xe sai quy định.

Chiếm dụng vỉa hè làm nơi đỗ ô tôLập lại trật tự đô thị: Không để tái lấn chiếm

Xe máy lấn vỉa hè góc cua Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng

Tại một số tuyến đường chính mà trước đây chính quyền địa phương và ngành chức năng ra quân rầm rộ để lập lại trật tự đô thị như: Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng, Nhật Lệ, Phùng Hưng, Đặng Thái Thân, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Hồng Thái… tuy có sự chuyển biến nhưng tình trạng người dân tự ý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn còn.

Quán cà phê G. (47 Đinh Tiên Hoàng) sau nhiều lần xử lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng, nay tiếp tục tái diễn điệp khúc “lấn chiếm” vỉa hè để kê dọn bàn ghế phục vụ nhu cầu của khách. Đây là một trong những “điểm nóng” về trật tự đô thị, vì quán này nằm ngay góc cua đường Đinh Tiên Hoàng với Mai Thúc Loan, rất đông các loại phương tiện giao thông qua lại.

“Khi có mặt của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thì việc lấn chiếm không còn. Tuy nhiên, khi vắng mặt thì việc lấn chiếm vẫn tái diễn. Những ngày nắng, bàn ghế được chủ quán kê hẳn ra ngoài vỉa hè dành cho người đi bộ càng nhiều hơn”, một người dân sinh sống trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết.

Cũng trên đường Đinh Tiên Hoàng, quán cháo Cô H. hay quán cà phê Nhà T. cũng xảy ra cảnh tương tự. Không chỉ các chủ quán lấn chiếm vỉa hè để kê dọn bàn ghế, mà một lượng lớn xe máy cũng để rất lộn xộn, gây cản trở việc đi lại của người đi bộ.

Việc chính quyền địa phương và ngành chức năng của phường Thuận Thành tuyên truyền, vận động, xử lý việc lấn chiếm lề đường, vỉa hè, nhất là những bảng quảng cáo, mái che di động trên đường Mai Thúc Loan vừa qua là một thành công lớn. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay vẫn còn nhiều hộ buôn bán hàng quần áo lắp đặt các mái che tạm với đủ loại sắc màu, lấn chiếm vỉa hè, gây nhếch nhác. Tuy đã có vạch kẻ đường của chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người dân sắp xếp xe máy gọn gàng, nhưng nhiều hàng áo quần vẫn để xe của khách rất lộn xộn, thiếu ngăn nắp.

“Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, xử lý những trường hợp lấn chiếm lề đường, vỉa hè, nhưng ý thức của người dân còn kém, nên vẫn còn xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và ngành chức năng. Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ cùng tổ dân phố, cán bộ tổ đô thị, cùng lực lượng công an cương quyết xử lý”, lãnh đạo UBND phường Thuận Thành cho biết.

Ngay dọc tuyến đường Nguyễn Huệ, tình trạng ô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định liên tục xảy ra. Đường Bà Triệu vỉa hè ở đây vốn chật hẹp, nay lại được nhiều hộ dân tận dụng tối đa diện tích để kinh doanh buôn bán lấn chiếm trọn vỉa hè. Tại cổng ra vào hai bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Huế là Bệnh viện đại học Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế tình trạng này cũng diễn ra thường xuyên. “Ngày nào cũng có hàng rong, xe đẩy tay bày bán các loại nước ngọt, trái cây, đồ ăn… la liệt ngay trước cổng và dưới lòng đường. Việc làm này không những gây khó khăn cho người dân ra vào bệnh viện mà còn cản trở các phương tiện tham gia giao thông”, bà Nguyễn Thị Hiền, một người dân sống trên tuyến đường Ngô Quyền bức xúc.

Tại đường Nguyễn Văn Huyên một số hàng quán bán đồ ăn sáng, ăn tối phục vụ thực khách cũng lấn chiếm vỉa hè. Không những thế họ còn dùng những chiếc bạt màu xanh để che mưa, nắng, rất tạm bợ. Ông Trần Quốc Phong, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hội cho biết: “Nhiều lần chính quyền địa phương đã ra quân xử lý, nhưng vì mưu sinh cuộc sống, họ vẫn bất chấp. Trong dịp này, phường tiếp tục ra quân để lập lại trật tự đô thị, nhất là các tuyến đường Lê Lợi, Trần Cao Vân, Lê Quý Đôn, Đặng Văn Ngữ… Không những Phú Hội mà một số phường khác cũng đã đề xuất và được UBND TP. Huế thống nhất chủ trương để sắp xếp lại một khu vực hợp lý để người dân kinh doanh, buôn bán hàng rong, bạ, không để xảy ra tình trạnh lấn chiếm lề đường, vỉa hè như hiện nay”.

Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ngành chức năng cần sớm triển khai bố trí các khu buôn bán tập trung một cách hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân. Đó cũng là cách để  người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn lề đường, vỉa hè; tạo bộ mặt mới cho đô thị TP. Huế.

Xe máy lấn vỉa hè góc cua Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP. Huế:

Chủ động phối hợp lập lại trật tự lòng đường vỉa hè

Công an TP. Huế đã và đang huy động các lực lượng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm; đồng thời lập lại trật tự đô thị, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, giao trách nhiệm cho chỉ huy công an các phường chủ động phối hợp với chính quyền sở tại lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị tại các phường. Với những phường trọng điểm như: Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Xuân Phú, Phú Hòa, Công an các phường này không chỉ phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Công an TP. Huế mà cả Công an tỉnh để tiến hành lập lại trật tự.    

Ông Hoàng Tân Ninh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Huế:

Xây dựng tính tự giác của người dân

Ngoài giáo dục ý thức, thì thường xuyên xử phạt các vi phạm sẽ góp phần để người dân có thói quen sống có văn hóa, văn minh, tôn trọng pháp luật. Khi ứng xử văn hóa đã trở thành nề nếp, thói quen, thì bất cứ ở môi trường nào tính tự giác của người dân cũng được phát huy.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Dân vận Thành ủy Huế không ngừng phát động, đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo xây dựng đô thị văn minh” và “Ngày toàn dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị” một cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế:

Tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán ổn định

Việc đưa những người kinh doanh hàng rong, bạ về một khu vực nhất định để kinh doanh buôn bán là vấn đề đặt ra. Điều này, vừa giúp người dân có chỗ kinh doanh với chi phí thấp, vừa hạn chế tình trạng mất mỹ quan đô thị, nhếch nhác cho đô thị Huế. Tuy nhiên, cũng có nhiều phương án đặt ra, mục đích cuối cùng là làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân kinh doanh, buôn bán ổn định; xóa dần thói quen lấn chiếm lề đường, vỉa hè. Thành phố cũng đang bàn phương án xây dựng phố ẩm thực ở khu vực Nghinh Lương Đình, dọc tuyến công viên Thương Bạc. Đây là điều kiện thuận lợi để tạo chuỗi liên kết cho các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố.

  Tâm Anh (thực hiện)

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng xử văn minh với vỉa hè

Hơn một năm nay, mỗi lần ngang qua khu vực Thành nội vào tầm chiều tối, tôi hay ghé mắt vào khu vực vỉa hè đường Mai Thúc Loan, tuyến cắt ngang với đường Lê Thánh Tôn. Chẳng phải tò mò hay có cảnh gì vướng mắt, mà vì ngay nút giao 2 phố có ghè sữa đậu nành nóng “nhà làm” mà chủ là người bạn của tôi từ thời cấp tiểu học.

Ứng xử văn minh với vỉa hè
Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

Ngày 27/2, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết: hai DA đầu tư chỉnh trang vỉa hè dọc tuyến Quốc lộ 1 (QL1A) qua trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền với tổng mức đầu tư 87tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 85% kế hoạch, góp phần tạo điểm nhấn và kết nối các đô thị ở địa phương này.

Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

TIN MỚI

Return to top