ClockThứ Năm, 14/01/2021 13:45

Vài suy nghĩ về “xe ké”

TTH - “Xe dù, bến cóc” là cách nói nôm na của một số cơ quan quản lý. Còn dân chạy xe thì gọi là “xe ké” (tên gọi trên một trang mạng xã hội). Thực ra là không ké đâu, hành khách gọi điện thoại trực tiếp hoặc đặt chỗ qua mạng; hẹn mấy giờ là xe đến đón tận nơi, trả tận chốn. Quan sát thì thấy phần lớn xe ké chất lượng xe rất tốt. Có nhiều xe còn có kẹo cao su, khăn lạnh để cho khách sử dụng miễn phí nữa. Thế thì hành khách đã thật sự thành “thượng đế” rồi!

Vấn nạn xe ké, xe trá hình: “Giựt” khách ngay “sân nhà”

Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm của xe trá hình, “xe ké” đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Minh  

Trước đây, mỗi lần được đi xe Thuận Thảo (nay hãng này không thấy chạy tuyến Huế nữa) là “mê tơi”. Xe chở khách thấy chất lượng xe và dịch vụ cải tiến rất nhanh. Nhà xe đọc rất rõ nhu cầu của khách khi cuộc cạnh tranh đi vào hồi khốc liệt. Ví dụ như chất lượng xe thì nhà xe đổi đời liên tục. Từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm. Từ xe không có trò giải trí gì thì nay có tivi, nhạc, nước uống, khăn lạnh… Nhà xe nào không đọc được nhu cầu của khách là coi như tự động rời khỏi cuộc chơi.

“Xe ké” ra đời trong một hoàn cảnh đọc được rất nhanh nhu cầu của khách. Và phải nói rằng họ phục vụ khách hết sức chu đáo, cho nên được khách đón nhận?

Tuy nhiên, hoạt động theo kiểu xe ké như hiện nay là không hợp pháp. Theo quy định, hoạt động vận tải hành khách là phải có đăng ký kinh doanh, có bến bãi, có hợp đồng vận chuyển hành khách…và tất nhiên là có nhiều nghĩa vụ về mặt pháp lý đối với hành khách cũng như đối với Nhà nước, chẳng hạn như thuế. Xe ké không làm bất cứ nghĩa vụ nào trừ nghĩa vụ… phục vụ khách tiện lợi, tận tình, chu đáo.

Thời gian gần đây rộ lên dư luận về hoạt động không hợp pháp của xe ké. Thật ra nói chính xác là sự phản ứng từ phía các đơn vị dịch vụ vận chuyển hành khách hợp pháp. Lý do họ phản ứng mạnh mẽ và buộc các ngành chức năng về quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này phải lưu tâm. Gần đây nhất vào ngày 6/1, UBND tỉnh đã có một cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì để giải quyết những vấn đề “xe dù, bến cóc”. Tại cuộc họp này, ông Phan Ngọc Thọ đã nói gì? Ngoài nhắc nhở các ngành chức năng làm tốt nhiệm vụ quản lý của mình, ông nói, xin trích nguyên văn: “Chúng ta phải nhìn nhận được thực tế là chất lượng dịch vụ của các HTX vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, cung chưa đáp ứng được cầu về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian... Nên vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu”.

Rõ là vậy rồi. Những đơn vị vận chuyển hành khách hợp pháp không đọc được nhanh nhu cầu của khách cho nên không bắt kịp nhịp. Chúng ta có cảm giác rằng tư duy bao cấp, một mình một chợ vẫn còn rơi rớt ở đâu đó. Khách họ muốn đón tận nơi, đến tận chỗ thì các công ty vận tải hành khách lại bắt họ phải đến bến xe, làm hợp đồng. Họ muốn về đến tận nhà thì anh lại trả khách ở bến xe phía điểm đến, rồi từ đó khách đi taxi, xe thồ về nhà. Ngoài sự bất tiện, có khi cộng lui cộng tới, chi phí đi xe hợp pháp đã đắt đỏ lại còn kém hơn về chất lượng dịch vụ. Điều này khó mà chối cãi được khi nhìn nhu cầu ở phía “thượng đế”. Người tiêu dùng thường bao giờ cũng là người thông thái! Họ biết bỏ ra bao nhiều tiền để mua cái gì, mua loại dịch vụ nào. Tại sao xe ké lại liên tục phát triển còn các hãng vận tải hành khách thì “liên tục kêu”? Nó có một “độ vênh” giữa cung và cầu. Quả đúng như Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá - các đơn vị dịch vụ vận tải hành khách phải xem lại chất lượng dịch vụ của mình.

“Xe ké” đã đáp ứng, phải nói là rất tốt nhu cầu đi lại (xin nhấn mạnh là nhu cầu đi lại) của hành khách. Có thể đây là một mô hình vận tải mới rất cơ động và hữu ích chăng? Chúng ta đều biết có những thứ có ích cho cuộc sống, cho người dân nhưng chưa hẳn là hợp pháp ở trong một thời điểm nào đó, mà chuyện “khoán chui” trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc là một ví dụ điển hình. Và sau đó nó trở thành một “sự cứu cánh” cho sự đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nói dẹp xe ké thì có lẽ không khó, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu xem mô hình này là như thế nào? Nếu nó đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội thì có khi phải nghiên cứu phương thức để nó tồn tại. Anh muốn tồn tại thì phải bổ sung những điều kiện nào, phải thực hiện nghĩa vụ gì…? Khi chưa đáp ứng những điều kiện như vậy thì kiên quyết “dẹp”. Nhưng khi dẹp rồi nhu cầu của khách, nói rộng ra là nhu cầu chính đáng của xã hội thì sao?

Các đơn vị vận tải hành khách hiện tại phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Sao họ có dịch vụ trung chuyển điểm đi điểm đến mà mình không làm được. Mô hình nào là phù hợp cần phải nghiên cứu. Chỗ nào có thể còn giảm được chi phí để hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh là điều phải tính toán…

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, xe ké tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại liên tục phát triển. Phương tiện chủ yếu là xe 4 và 7 chỗ ngồi. Các đơn vị kinh doanh vận tải có ra đời được những đội xe tương tự, lên xe được phục vụ nước, kẹo cao su, khăn lạnh... và cả việc trung chuyển khách “đến tận nơi” ?

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top