ClockThứ Năm, 14/04/2016 14:07

Sớm quy hoạch vùng nuôi chim yến

TTH - Nghề nuôi chim yến đang phát triển mạnh tại Thừa Thiên Huế, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do các hộ nuôi tự phát nên dễ nảy sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhất là khu vực nội thành, nội thị… Đã đến lúc phải quy hoạch vùng nuôi chim yến.

Ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra dịch bệnh

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, trú tại 13/4 Nguyễn Công Trứ, phường Phú Hội, TP. Huế cho biết, khu vực ông ở có 2 hộ xây dựng nhà trên tầng thượng để nuôi chim yến. Trong đó, hộ ông Trương Minh Trường (77 Võ Thị Sáu) nuôi đã 5 năm, hộ ông Nguyễn Quang Thao (17/14 Nguyễn Công Trứ) nuôi đã 3 năm. Cả ngày 2 hộ trên mở máy gọi chim về, tiếng kêu rất khó chịu. Khoảng 19h hàng ngày chim về đen đặc, tiếng kêu inh ỏi cả một vùng. Sáng ra, khoảng 5h đến 6h, chim bắt đầu đi kiếm ăn và kêu loạn xạ, khiến người dân không ngủ được nữa. Điều người dân lo lắng nhất là phân chim thải ra trắng xóa cả trên nóc nhà, trong sân. Quần áo không thể phơi ngoài trời, bởi sợ dính phải phân chim. Nhiều lần chim bị bệnh chui vào nhà người dân chết. Từ năm 2013 đến nay, các hộ dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh ở các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn không có biến chuyển.

Cơ sở nuôi chim yến 3 tầng của anh Nguyễn Thanh Đức tại nhà 7A/144/1 Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, TP Huế

Ông Mai Dư Lộc, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 cho biết, đối với 2 hộ nuôi chim yến nằm trên địa bàn tổ 12 gây ô nhiễm môi trường, tổ dân phố đã nhiều lần phản ánh với UBND phường Phú Hội, nhưng chưa có kết quả. Tiếng ồn và phân chim gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn ở khu vực dân cư, ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Theo ông Hồ Trọng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội, việc 2 hộ ông Trường và Thao nuôi chim yến gây ô nhiễm môi trường, phường đã phối hợp với các ngành chức năng của TP. Huế kiểm tra, chấn chỉnh; đồng thời yêu cầu 2 hộ này lập thủ tục khai báo và phải được UBND TP. Huế cho phép mới được tiếp tục nuôi. Tuy nhiên, 2 hộ này vẫn không chấp hành kết luận của đoàn kiểm tra. Liên quan đến vấn đề này, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị đến UBND TP. Huế, nhưng vẫn chưa nhận được xem xét, giải quyết.

Không riêng ở phường Phú Hội, các điểm nuôi chim yến trong khu vực TP. Huế  đều ảnh hưởng ít nhiều đến các hộ lân cận. Tiếng ồn của máy gọi chim, tiếng kêu của hàng trăm con chim yến, phân chim là vấn đề nhức nhối, mà cấp chính quyền đau đầu, không biết xử lý như thế nào, bởi không có một văn bản nào cấm việc nuôi chim yến. Ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 6 điểm nuôi tự phát chim yến của các hộ gia đình. Việc nuôi chim yến tuy đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình nhưng cũng gây ra những phiền toái không nhỏ. Ngoài việc làm ô nhiễm môi trường xung quanh, chim yến còn dễ gây ra dịch bệnh, nhất là dịch cúm AH5N1. Mức độ phường chỉ nhắc nhở, vận động các hộ nuôi giữ gìn vệ sinh môi trường chung, thường xuyên vệ sinh, khử trùng vùng nuôi…

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh:

Chính quyền địa phương phải giám sát chặt

Trên địa bàn tỉnh, việc nuôi chim yến chủ yếu do người dân tự phát, chưa được kiểm soát chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây nhiễm và phát tán mầm bệnh khi có dịch xảy ra. Trong năm 2015 và 2016, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tổ chức 4 đợt thanh, kiểm tra những nơi nuôi chim yến có nguy cơ gây ô nhiễm và dễ xảy ra dịch bệnh. Trong đó, đã vận động, thuyết phục người dân dẹp bỏ 3 điểm gồm: Quảng Thành (Quảng Điền), chợ Cống (Xuân Phú, TP. Huế), đường Phạm Văn Đồng (Vỹ Dạ). Hiện nay, chi cục đang rà soát lại tất cả các hộ nuôi chim yến. Để không tái phát những điểm dẹp bỏ và phát sinh những hộ nuôi mới, không nằm trong quy hoạch, chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần khuyến cáo người dân không nuôi chim yến trong khu vực nội thành, nội thị và những nơi gần công sở, trường học, chợ, công viên, bệnh viện, khu công nghiệp, khu vực chăn nuôi trang trại, gia súc, gia cầm, khu vực đông dân cư… Những cơ sở đã nuôi chim yến trong khu vực này cần vận động chuyển đi nơi khác theo địa điểm nằm trong quy hoạch, được sự đồng ý bằng văn bản của cấp huyện, thị xã, thành phố.

Thanh Hải (ghi)

Sớm quy hoạch vùng nuôi

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 23 điểm nuôi chim yến, trong đó tại địa bàn TP. Huế có đến 14 điểm nuôi, tập trung chủ yếu ở các phường Vỹ Dạ, Phú Hội, Phú Hiệp, Phú Nhuận, Thuận Thành, An Hòa, An Đông… Hầu hết các điểm nuôi này đều tận dụng mặt bằng tầng thượng nhà ở để nuôi theo kiểu tự phát và không được cấp thẩm quyền cấp phép. Mỗi điểm ít cũng phải vài trăm con, nhiều lên đến hàng ngàn con.

Ông Hồ Trọng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội cho rằng, nuôi chim yến, ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực còn ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Còn ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ đề nghị, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình nuôi chim yến nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Về lâu dài, quy hoạch vùng nuôi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân chung quanh.

Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế thừa nhận: Thời gian qua, phòng chưa làm tốt công tác quản lý về mặt nhà nước các cơ sở nuôi chim yến. Tất cả các hộ nuôi chim yến trên địa bàn TP. Huế chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Sở dĩ xảy ra vấn đề này là do các hộ nuôi tự phát trước khi có Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến ra đời. Thời gian tới, phòng sẽ họp, mời tất cả các hộ nuôi chim yến và các phường để phổ biến, tuyên truyền về Thông tư 35. Yêu cầu tất cả các hộ nuôi phải phải có giấy phép mới được nuôi nhằm chấn chỉnh tình trạng gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Song song đó, chúng tôi sẽ tham mưu UBND TP. Huế xây dựng đề án quy hoạch vùng nuôi chim yến. Trong đó, ưu tiên những vùng ven thành phố và phải đảm bảo 2 yếu tố: mật độ dân cư và có chim yến về. Riêng các vùng trung tâm thành phố không được nuôi và phải di dời về vùng quy hoạch.

Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý chim yến nêu rõ: Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế ở cấp huyện, thị xã và thành phố, nơi có cơ sở nuôi chim yến. Vị trí xây dựng mới nhà nuôi chim yến là vùng đất có điều kiện tự nhiên phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện, thị xã và thành phố. Cường độ âm thanh gọi chim yến về không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Bài,  ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu

Năm 2024, TP. Huế tập trung chỉ đạo hoàn thành 18 đồ án QH, quy chế, bao gồm 11 QH phân khu, 1 quy chế quản lý kiến trúc thực hiện để phủ kín QH phân khu các phường, xã và 6 đồ án QH lập, điều chỉnh để phù hợp QH chung đô thị tỉnh. Đến nay, các đồ án điều chỉnh QH các phường thuộc phạm vi thành phố trước khi mở rộng đã cơ bản hoàn thành trình thẩm định theo kế hoạch; các đồ án QH các phường, xã sáp nhập vào thành phố đã hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt và đảm bảo phủ kín 100% QH phân khu trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu

TIN MỚI

Return to top