ClockThứ Năm, 08/03/2018 14:00

Cấm rải, đốt vàng mã: Xử lý chưa đồng bộ

TTH - Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và chức sắc tôn giáo đã khuyến cáo việc rải, đốt vàng mã là mê tín dị đoan, gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng rải, đốt vàng mã vẫn cứ tồn tại...

Sau vận động, phải là chế tàiHạn chế đốt, rải vàng mã dịp tếtCông khai xả vàng mã xuống sôngKiên trì và cứng rắn

Trải qua thời gian tục đốt vàng mã trên địa bàn TP. Huế có hạn chế nhưng vẫn còn phổ biến

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng và có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tại TP. Huế, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định nghiêm cấm hành vi đốt, rải vàng mã ở nơi công cộng như đường phố, sông, ngòi, ao hồ...

Giảm nhưng vẫn còn phổ biến

Theo ghi nhận, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, việc đốt, rải vàng mã vẫn xuất hiện trên một số vỉa hè các tuyến đường, ngõ hẻm ở TP. Huế. Mới nhất vào đêm 14 tháng Giêng, dọc một số tuyến đường Hùng Vương, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Trần Thúc Nhẫn, Lê Huân, Nguyễn Trãi... tình trạng đốt vàng mã vẫn tràn lan. Nhiều người đốt ngay trên các gốc cây xanh dọc vỉa hè, hoặc dưới hệ thống những trụ điện vô cùng nguy hiểm.

Không chỉ ngày Tết, bất cứ những nghi lễ khởi công, khánh thành, động thổ hay một lễ cúng giỗ nào cũng đều thấy đốt vàng mã. Nhiều gia đình còn đặt cả những đồ vàng mã cỡ lớn theo phong trào như nhà lầu, xe hơi, hình nộm, dụng cụ gia đình... để đốt. Mặc cho có chuẩn bị thùng đốt nhưng lượng vàng mã quá nhiều dẫn tới tình trạng khói lớn, khi gặp gió tro bụi bay tứ tung ảnh hưởng đến nhiều gia đình xung quanh cũng như gây ô nhiễm môi trường.

Vàng mã rải xuống sông vương vãi trên hệ thống đường ống bắc qua cầu An Cựu

Không chỉ đốt, nhiều người còn rải vàng mã một cách vô tội vạ xuống những con sông vào những ngày “rằm to, lễ lớn”. So với thời điểm chưa ban hành quy định về đốt, rải vàng mã, tình trạng này có giảm nhưng vẫn còn phổ biến. Nhiều nhất vẫn trên dòng sông An Cựu, đoạn các cầu An Cựu, Kho Rèn, Bến Ngự, vàng mã cứ thế vương vãi từ thành cầu cho xuống lòng sông.

Phải làm đồng bộ 

Thực tế, việc tuyên truyền, hạn chế rải, đốt vàng mã tại TP. Huế thời gian qua ít nhiều đã tác động về mặt nhận thức của một bộ phận người dân; tuy vẫn chưa được như mong muốn. Ông Nguyễn Thọ, đường Điện Biên Phủ, TP. Huế cho rằng, nhiều năm trước khi đến dịp lễ, Tết gia đình thường đốt một lượng lớn vàng mã với tâm niệm gửi sang những người thân ở “thế giới bên kia” sử dụng. Hơn một năm trở lại đây, khi nhận được sự vận động từ chính quyền địa phương cũng như thông qua nhiều kênh thông tin đã hạn chế đốt vàng mã. “Bây giờ vàng mã được gia đình đốt vào những dịp cúng kị chỉ mang tính chất lễ vật. Theo tôi hạn chế được việc đốt, rải vàng mã là rất tốt nhưng không thể nói bỏ là bỏ luôn được mà phải có lộ trình cụ thể”, ông Thọ nói.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khẳng định, tập tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Đạo giáo Trung Quốc. Nhân chuyện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng và có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo thì chính quyền cần vào cuộc một cách quyết liệt để kêu gọi, khuyến khích người dân từ bỏ tập tục này. “Việc này không phải bây giờ mới làm mà đã làm từ nhiều năm trước đó. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết để các cơ quan chức năng cùng kết nối, lên tiếng nói để thức tỉnh nhân dân”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Lê Viết Hiền, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Huế cho rằng, việc hạn chế rải, đốt vàng mã trên địa bàn thời gian gần đây có chuyển biến nhưng vẫn còn nan giải. Theo ông Hiền, nếu tuyên truyền người dân không rải, đốt vàng mã nhưng vẫn để các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng mã tồn tại như hiện nay thì rất nghịch lý. “Hãy thôi cách bao biện việc sản xuất vàng mã giải quyết được việc làm, và có đóng thuế. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý vấn đề đốt, rải vàng mã”, ông Hiền nhấn mạnh. Cũng theo ông Hiền, việc các xe tang trên địa bàn TP. Huế hiện nay đã cam kết và không rải vàng mã nhưng như thế là chưa đồng bộ. “Nếu xe tang các huyện đi qua thì sao? Phải làm đồng bộ, thống nhất chứ riêng TP. Huế thì cũng chưa đủ”, ông Hiền đặt vấn đề.

Cũng theo ông Hiền, trước tiên, cấm rải vàng mã trên các tuyến đường. Riêng cấm đốt vàng mã ở các gia đình là chuyện không thể ngày một ngày hai mà cần chọn lọc cái gì để cấm? Ai quản lý việc đó?... Chính quyền phải có những cuộc hội thảo, bàn bạc để quyết định.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế cho hay, qua thời gian thực hiện, có thể nhận thấy những chuyển biến rõ rệt, tình trạng rải vàng mã đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng đốt vàng mã vẫn còn xuất hiện, nhất là tại các hộ kinh doanh mặt tiền đường, nhất là tuyến đường có hệ thống bó vỉa mỏng do đa phần các hộ kinh doanh không sử dụng hoặc sử dụng thùng đốt không đúng quy cách. Có 2 trường hợp bị xử phạt về hành vi rải vàng mã khi đưa tang.

Bà Giao cho rằng, hành lang pháp lý quy định về xử lý vi phạm về đốt và rải vàng mã còn thiếu, chủ yếu vẫn là xử lý hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Chưa có văn bản điều chỉnh trực tiếp việc xử lý hành vi rải vàng mã trên đường và đốt vàng mã tại khu dân cư, các quy định còn nằm rải rác ở những ngành khác nhau như giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn về phòng cháy chữa cháy mà thiếu sự hệ thống dẫn đến việc xử lý chưa đồng bộ.

Đại đức Thích Không Nhiên, Phó Thư ký Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ biên kiêm Thư ký tập san Liễu Quán:

Chùa Huế không có tập tục đốt vàng mã

Ở  nhiều ngôi chùa Huế việc đốt vàng mã gần như không có. Không giống như các chùa miền Bắc, xưa nay chùa Huế không có tập tục đốt vàng mã. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ở một số lễ cúng cũng có vài tờ vàng bạc, áo binh và được xếp như lễ phẩm, có tính tượng trưng, mang ý nghĩa nhân văn. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin):

Các cơ quan, công sở phải “làm gương”

Từ xa xưa, việc đốt vàng mã với lượng rất ít là hình thức lễ nghi tỏ lòng thành với ông bà, tổ tiên nên không gây ảnh hưởng hay tạo ra sự phản cảm. Tuy nhiên, sau này có nhiều lễ cúng người dân đốt tràn lan, biến tướng nên tạo ra sự phản cảm, dần trở thành thương mại hóa, cho nên theo tôi hạn chế là rất đúng. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Giáo hội phật giáo Việt Nam cấm đốt vàng mã ở các chùa chiền. Bởi điều đó vừa đỡ gây lãng phí, vừa phù hợp với giáo lý của đạo Phật. Riêng ở Huế, vào thời kỳ chấn hưng đạo Phật vào năm 1936, việc hạn chế đốt vàng mã tại các chùa chiền đã được thực hiện chứ không phải bây giờ mới làm.

Theo tôi, để người dân hạn chế đốt vàng mã thì Nhà nước nên “làm gương” trước tiên bằng cách ban hành các văn bản về việc cấm đốt vàng mã tại các cơ quan, công sở. Thực tế vào mỗi dịp lễ, tết cổ truyền, tổng lượng vàng mã được đốt tại các cơ quan nhà nước là không nhỏ. Có “làm gương” như vậy thì người dân mới làm theo, tình trạng lãng phí tiền mua vàng mã đáng báo động như hiện nay mới giảm được đáng kể.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông

TIN MỚI

Return to top