ClockThứ Năm, 16/06/2022 13:45

Điều vô lý!

TTH - Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trước hết chính là để bảo vệ cho bản thân mình và gia đình mình. Vậy thì hà cớ gì cứ phải đợi bị nhắc, bị phạt mới chịu thực hiện?

Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểmĐiều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm: Xử lý nghiêmXử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một thói quen đẹp và hữu ích

Tính đến nay, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô tô, xe máy có hiệu lực đã gần tròn 15 năm (tháng 12/2007). Từ những phản ứng tiêu cực ban đầu của một bộ phận người dân trong cộng đồng như sợ nấm tóc, rụng tóc, sợ nóng, sợ nặng, sợ ra đường thấy cả một rừng “nồi cơm điện”… thì sau đó không quá lâu, việc đội MBH đã trở thành bình thường. Thậm chí, đã thành thói quen của mọi người, đến nỗi mỗi khi dắt xe ra đường, không mang theo MBH là lại thấy thiếu, thấy “dị dạng”. Ấy là nhờ được CSGT nhắc nhở, xử phạt. Nhưng quan trọng hơn, người ta thấy sự hữu ích của chiếc MBH. Chính nhờ nó mà rất nhiều người đã thoát được những tai nạn chết người hoặc suốt đời tàn phế.

Một thống kê được công bố, chỉ trong thời gian 3 tháng, kể từ lúc có quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ (15/9/2007), đến lúc quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường có hiệu lực (15/12/2007), nhiều địa phương tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương do tai nạn giảm rõ rệt; có địa phương số người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương sọ não trong các vụ tai nạn giao thông đã giảm tới 40%. Đó là hiệu quả ấn tượng và ít ai nghi ngờ, nhất là đối với rất nhiều người từng có bạn bè, người thân, thậm chí ngay chính bản thân mình đã từng phải “trải nghiệm” những cú tai nạn và được “quý nhân” mang tên MBH ra tay che chở.

Điều nghịch lý là lẽ ra thói quen tích cực ấy phải ngày càng được tỏa lan và củng cố, vậy mà, một vài năm gần đây, câu chuyện đội MBH khi tham gia giao thông đối với người đi mô tô, xe máy có vẻ đang bị “thoái trào”. Ra đường bây giờ, có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ ở đâu, bất kể giờ nào những người không đội MBH vẫn điềm nhiên chạy xe như chẳng có gì cần quan tâm. Tình trạng này tại Huế còn đỡ, đến những đô thị lớn, thấy càng phổ biến. Như tháng trước rồi tháng này, vợ chồng tôi có việc phải đi Hà Nội. Cả 2 lần tôi đều nghe bà vợ nhận xét đầy vẻ ngạc nhiên: Hà Nội hình như người ta không cần MBH (!!?). Đó là chưa kể, tình trạng đội cho có, bán và sử dụng MBH không chất lượng cũng tha hồ. Hãy thử thuê một chiếc xe máy mà xem, chủ sẽ giao xe kèm MBH cho bạn, và đó thường là một chiếc mũ nhẹ hều, mỏng dính.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ ý thức tự thân của mỗi người; từ sự thiếu nhắc nhở của nhà trường và gia đình; từ sự coi thường luật lệ giao thông của một bộ phận cư dân trong cộng đồng… Trong đó, có một nguyên nhân khá quan trọng là lực lượng CSGT hình như giờ đây cũng có phần nương nhẹ, dễ cho qua đối với những trường hợp vi phạm lỗi không đội MBH. Thế nên mới dẫn đến thực trạng không ít người xem nhờn rồi dần dà “quên luôn” cả thói quen đội MBH. Nếu bây giờ, làm một vài đợt cao điểm, ra quân xử lý nghiêm túc và ráo riết mọi trường hợp vi phạm, tin chắc câu chuyện MBH sẽ nhanh chóng trở về quy củ. Nhưng rồi ngẫm lại, đội MBH trước hết không phải là vì ai xa lạ cả, mà là để bảo vệ cho chính bản thân mình, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc cho cuộc sống của gia đình mình. Vậy thì hà cớ gì cứ phải đợi bị nhắc, bị phạt mới chịu thực hiện? Điều đó thật hết sức vô lý! Nhất là, trong bối cảnh lực lượng CSGT không phải lúc nào cũng đủ người để tỏa ra trên mọi tuyến đường, mọi thời gian. Chưa kể, các anh lại còn vô số những công việc cấp thiết, cần kíp khác phải làm như kiểm soát nồng độ cồn, chất gây nghiện; xử lý nạn xe quá khổ quá tải, nạn thanh thiếu niên ngổ ngáo tụ tập đua xe… Những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều đến sự an toàn và bình yên của toàn xã hội.

Bài, ảnh: Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1: Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều, thậm chí là luận điệu xuyên tạc xung quanh nghị định này.

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1 Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn
Phụ nữ Hương Trà chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

Buổi trao giải Hội thi clip tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) diễn ra ngày 15/10. Hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Ban An toàn giao thông (ATGT) TX. Hương Trà phối hợp tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật ATGT, văn hóa ATGT cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Phụ nữ Hương Trà chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông
Ra đường, nhường nhau một chút

Thay vì nổi cáu vì ách tắc giao thông hay bị làm phiền bởi những sự cố giao thông không mong muốn, nhiều người tham gia giao thông đã không ngần ngại dừng lại để giúp đỡ, chỉ đường cho người gặp sự cố. Ai cũng sẵn sàng nhường nhau một chút để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì hay biết nhường nào...

Ra đường, nhường nhau một chút
Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Ngày 31/8, Tại Chùa Từ Đàm, đã diễn ra lễ dâng hương cầu nguyện, đây là nghi thức chính nằm trong Chương trình Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức, diễn ra ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2024 (nhằm ngày 27 và 28 tháng 7 năm Giáp Thìn).

Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

TIN MỚI

Return to top