Phần lớn người dân đã có ý thức phân loại rác thải sau hơn 4 tháng triển khai mô hình “Thôn không rác”

Quản lý rác thải

Trong khuôn khổ dự án (DA) “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” của Quỹ Môi trường toàn cầu và chương trình tài trợ các DA nhỏ của Liên Hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) do Tỉnh đoàn tiếp nhận triển khai thực hiện ngày 3/12/2020, mô hình “Thôn không rác” đã hỗ trợ 569 bộ 3 thùng rác hợp vệ sinh để người dân phân loại rác tại nguồn, đồng thời phát 629 giỏ nhựa đi chợ cho người dân tại hai địa phương.

Mô hình “Thôn không rác” được triển khai với 3 thùng rác phân loại (rác hữu cơ, rác thải nhựa, rác thải từ thuỷ tinh) đã được người dân tại hai địa phương nhiệt tình hưởng ứng, từ đó hình thành thói quen phân loại rác thải. DA được triển khai trong 13 tháng, với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Uyển Nhi, trú tại thôn Trung An, xã Phú Thuận, chia sẻ: Từ khi phát động DA, gia đình đã áp dụng mô hình phân loại rác thải. Tuy bước đầu vẫn còn gặp nhiều bỡ ngỡ do những người lớn tuổi còn chưa quen, nhưng sau 4 tháng thực hiện, hầu hết mọi người trong gia đình đều đã thích ứng và hình thành thói quen phân loại rác thải, đồng thời có ý thức hơn trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường sống xanh - sạch - sáng.

Theo chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, “Thôn không rác” là một trong những mô hình trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, ý thức sống xanh. Sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình cho thấy tín hiệu tích cực. Mô hình còn thực hiện mục tiêu gắn phát triển du lịch biển, đầm phá và kinh tế biển với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Bên cạnh đó, tập trung vào các hoạt động trang bị kỹ năng cho người dân trong giảm thiểu rác thải và rác thải nhựa trong cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bước đầu đem lại hiệu ứng tích cực, giúp cho người dân có thêm động lực để thực hiện phân loại rác thải tại nhà, song, DA vẫn chưa “phủ sóng” khắp trên toàn bộ các hộ gia đình tại hai địa phương. Hiện tại, mới chỉ có hơn 540 hộ trong số hơn 750 hộ dân tại hai địa phương được triển khai mô hình “thôn không rác”.

Theo anh Lê Văn Phong, Bí thư Xã đoàn Phú Thuận, việc vẫn còn một số hộ gia đình chưa được tiếp cận với mô hình này là do đây mới chỉ là DA thử nghiệm trong vòng 13 tháng để đánh giá hiệu quả trước khi chính thức triển khai mô hình vào đời sống. Điều này khiến cho các hộ dân trên tỏ ra không mặn mà với việc phân loại rác thải.

“Người dân lâu nay chưa có ý thức về phân loại rác thải, nên khi triển khai mô hình này, có nhiều hộ vẫn theo thói quen cũ, chưa phân loại theo đúng yêu cầu. Mỗi lần Xã đoàn về kiểm tra, cũng đã có nhắc nhở và hướng dẫn lại cho người dân. Tuy vậy, cho đến hiện nay vẫn còn một số ít hộ gia đình vẫn chưa thay đổi được thói quen của mình”, anh Phong cho hay.

Sắp tới, xã tiếp tục phối hợp, triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân bằng hình thức phát tờ rơi tại các hộ gia đình, các địa điểm công cộng, khu vực chợ, tổ chức các chương trình sinh hoạt, văn nghệ… nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của việc phân loại rác thải, đồng thời thúc đẩy người dân giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần.

Tỉnh đoàn phối hợp với UBND xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An tổ chức các đợt tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” tại cộng đồng dân cư; triển khai các đợt ra quân thực hiện Ngày Chủ nhật xanh gắn với mô hình “60 phút sạch nhà đẹp ngõ” vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Mô hình “Thôn không rác” là một DA dài hơi mà ở đó, nhận thức của cộng đồng dân cư về vấn đề bảo vệ môi trường đóng vai trò quyết định. Đây cũng là bước đầu để hướng đến hình thành cộng đồng dân cư miền biển với khát khao bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, đem lại vẻ đẹp cho thôn xóm.

Bài, ảnh: Bạch Châu