Lĩnh vực hoạt động của các SME đa dạng và phong phú, trải dài ở hầu khắp các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến các dịch vụ thuần tuý. Nhưng như thực trạng chung của các DN trong cả nước, DNVVN ở Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp và chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình.

Nguồn nhân lực đang là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp

“Tắc” ở đâu ?

 Thừa Thiên Huế có gần 7.000 doanh nghiệp (DN), song thực tế chưa đến 4.000 DN đang hoạt động; 98% là DN nhỏ, siêu nhỏ. Khối SME đóng góp trên 1.300 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách từ DN.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (HDNT) tỉnh Trần Đức Minh nhận định, gặp phải nhiều rào cản trong quá trình hoạt động SXKD nên không ít DN nhỏ, siêu nhỏ “ốm yếu” và “chết yểu”; nhất là những DN mới thành lập trong những năm gần đây. Thực tế, rất nhiều DN không có “sinh nhật” lần thứ hai, ba sau khi gia nhập thị trường.

Những rào cản đó là khó khăn về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị - điều hành… Nhiều chủ DN có tầm nhìn ngắn, chỉ thấy “bức tranh màu hồng” khi mở DN, trong khi lộ trình phát triển dài hạn, chiến lược kinh doanh rất hạn chế.

Giám đốc Công ty CP Hồng Đức Trần Minh Đức cũng cho rằng, vốn vẫn là bài toán nan giải với DN. Do khó khăn tiếp cận vốn từ ngân hàng, DN phải chấp nhận sử dụng các kênh vốn có chi phí cao. Vay vốn tại ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, phương án SXKD, trong khi đây là điểm yếu của các SME.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ các khoản vay của DNVVN so với tổng dư nợ tín dụng ở các nước phát triển là 45%. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay các SME trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 30%.

“Nhằm đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các yêu cầu thế chấp chặt chẽ, trong khi nhiều DN có tài sản nhưng không đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ để làm thủ tục. Hay một số tài sản vô hình (nhãn hiệu DN, tài sản sở hữu trí tuệ) của DN chưa có cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho phép được sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu khát vốn của DN”.

Nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực của các DNVVN còn thấp. Theo đánh giá của Giám đốc Công ty Hồng Đức, hệ thống đào tạo của Huế chưa sát với thực tế, nhân sự phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng vận dụng vào thực tiễn. DN khi tuyển dụng nhân sự phải đào tạo lại mới vào guồng, nắm công việc được.

Việc chi trả chi phí không chính thức là một gánh nặng khác mà các SME phải đối mặt.

Các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ bằng những khóa tập huấn sát thực tế

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, có 7,1% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, trên 60% DN đạt được kết quả sau khi chi trả chi phí này và hơn 58% DN cho rằng có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục.

 Khảo sát một số DN tại Thừa Thiên Huế, chi phí này là có, dù minh bạch đến đâu và “phí này ngày càng tăng”. Đây là những khoản phí DN phải chi nhưng không thể có hoá đơn chứng từ để hạch toán vào chi phí SXKD của mình.

Giám đốc một DN xây dựng dẫn chứng, ngay việc nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa vẫn cần phí “gầm bàn”. Ở cơ quan tiếp nhận, về nguyên tắc, công chức không được liên hệ với người nộp hồ sơ, nhưng ở đây, người tiếp nhận gọi điện trực tiếp cho DN yêu cầu lên “gặp” để hướng dẫn bổ sung. Thậm chí, ngay trong một sở, khi đến thực hiện thủ tục, các phòng, ban cũng có ý kiến khác nhau, không thống nhất. DN phải gửi phí “bôi trơn” mới được giải quyết nhanh.

“Thứ nữa là khung pháp lý, hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề về thủ tục hành chính, nhất là hệ thống quy định rất nhiều thủ tục, qua nhiều khâu, nhiều bước, gây phiền hà cho DN”, vị Giám đốc DN xây dựng thẳng thắn.

Một tồn tại cố hữu của các DN Thừa Thiên Huế, theo nhìn nhận của các CEO SME là không có tính liên kết; nếu có, cũng rất yếu. Cứ “mạnh ai nấy làm”, chưa chia sẻ mục tiêu chung để tham gia vào một chuỗi giá trị. Điều này khiến các DN khó hợp tác và tận dụng được nguồn lực từ khách hàng, nhà đầu tư.

Doanh nghiệp Du lịch đang khó chồng khó (trong ảnh: Khách quốc tế thưởng thức món ăn tại một nhà hàng ở Huế trước thời điểm đại dịch)

“Đòn chí mạng” từ đại dịch

COVID-19 ập đến. Cả thế giới bị đại dịch “giam lỏng”. Giữa bối cảnh thị trường chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, sức ép đến từ sụt giảm sức mua của thị trường lẫn áp lực tài chính nội tại, nhiều DN đã gặp phải khủng hoảng, đứng bên bờ vực phá sản.

Thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng đến tình hình SXKD của DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn, lữ hành…Trong đó, gần 60% DN giảm quy mô kinh doanh, 16,8% DN ngừng hoạt động và hơn 2% DN phải chuyển đổi ngành nghề khác. Chỉ có 1,7% DN hoàn thành kế hoạch, nhưng có đến 41,7% số DN có mức doanh thu giảm từ 50% trở lên. Trên 10 ngàn lao động dịch vụ du lịch thất nghiệp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 25/9, toàn tỉnh có 464 DN và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 41% so với cùng kỳ; 183 DN giải thể/chấm dứt hoạt động.

Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này là doanh thu bị giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội trong khi DN vẫn phải “gánh” nhiều khoản chi phí hàng ngày, áp lực nuôi bộ máy. “Đầu vào” khó khăn khi giao thương bị thắt chặt, “đầu ra” hạn chế do sức mua giảm mạnh kèm theo những thách thức về dòng tiền, nguồn nguyên liệu đang “giáng những đòn chí mạng” khiến nhiều DN “tê liệt”.

Là DN có “tên tuổi” với 21 năm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ Lê Xuân Phương thừa nhận, từ tháng 3 đến nay, công ty “lỗ triền miên, lỗ nặng”, giờ đang “cầm cự” với thu nhập chưa đến 1/2. “Chúng tôi vẫn cố gắng trả lương bằng 60-70% cho nhân viên. Tuy nhiên, đơn vị phải bù lỗ”.

Sau đại dịch lần 1, nhiều DN vẫn cố vực dậy, đầu tư kinh doanh, nhưng dịch COVID-19 tái bùng phát khiến khả năng phục hồi của DN “một đi không trở lại”.

“DN du lịch, đặc biệt là nhà hàng có đến 70% đóng cửa. Hơn 80% khách sạn “ngủ đông”. Nhà nghỉ, hostel cho khách Tây thì chết hẳn”, ông Phương thông tin.

Trước khi COVID-19 ập đến, MotorVina đang trong thời kỳ hoàng kim, nhân viên làm không hết việc, trên 90% khách hàng của công ty là khách quốc tế.

Giám đốc Công ty MotorCycle Nguyễn Xuân Kiên cho hay, đại dịch làm DN “trở tay không kịp”. Đầu tư khách sạn nhưng hoạt động chưa bao lâu phải tạm dừng, homestay cũng chỉ sống thoi thóp. Vắng khách Tây, trong khi nhu cầu khách Việt không lớn nên hàng chục motor phân khối lớn phải thanh lý. Đội ngũ hơn 30 quản lý, nhân viên chưa kể cộng tác viên phải cho nghỉ dài hạn… là những khó khăn mà MotorVina đối mặt. “Giờ mình đang tính chuyện tái cấu trúc tất cả, kể cả bản thân”, Kiên nói. 

Đến nay, phần lớn DN đều phải giảm, giãn lao động. Một phần được cho nghỉ việc tạm thời, hưởng lương cơ bản theo chế độ của Luật DN. Một số được điều động đi làm, nhưng giãn thời gian. “Điều đáng mừng, rất nhiều DN cố gắng duy trì lực lượng lao động để đợi sau dịch COVID-19 có thể nhanh chóng quay trở lại SXKD”, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội DN tỉnh, tình hình SXKD trong thời gian tới của DN vẫn khá ảm đạm và chưa có nhiều hướng cải thiện.

Bài, ảnh: Liên Minh

Kỳ 2: Nội lực và trợ lực