Không chỉ các nhà lãnh đạo mà mỗi doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị, sản xuất, xây dựng... để hướng đến một “nền tảng xanh” cho tương lai.

 

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, ngành xây dựng trên thế giới tiêu thụ 17% lượng nước ngọt, 25% lượng gỗ khai thác, sử dụng 30 - 40% năng lượng trong tổng năng lượng sử dụng, sử dụng 40 - 50% nguyên vật liệu thô, chiếm 33% tổng lượng phát thải CO2 toàn thế giới.

Điều này cho thấy, để giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, ngành xây dựng đóng vai trò có tính quyết định. Trong đó lĩnh vực nhà ở là đối tượng quan trọng nhất để giảm khí thải nhà kính gây nên biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của cơ quan phân tích rủi ro Maplecroft, Việt Nam là nước trong nhóm “next eleven” - những quốc gia có tiềm năng trở thành những nền kinh tế có trọng lượng của kinh tế thế giới, đang đứng trước những rủi ro tột cùng từ việc thay đổi khí hậu.

Mặt khác, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nếu nước biển dâng cao 1m thì Việt Nam có thể mất 40.000km2 đất canh tác do bị ngập hoặc nhiễm mặn, 20 triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng do đất canh tác và đất ở bị thu hẹp, thiếu nguồn nước và năng suất nông nghiệp giảm.

Theo đánh giá, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Biến đổi khí hậu đang đặt ra cho Việt Nam rất nhiều thách thức cần phải giải quyết.

Xây dựng đô thị và tốc độ đô thị hóa đã và đang nảy sinh hàng loạt các vấn đề như: hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải, rác thải bị quá tải do mật độ dân cư gia tăng; môi trường đô thị có những diễn biến theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cao ốc ngày càng mọc lên như nấm, đô thị ngày càng được mở rộng và lượng di cư của người dân đến các đô thị ngày càng cao kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của biến đổi khí hậu.

Đây là một trong những trách nhiệm mà doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cũng như hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, phải gánh vác và chịu trách nhiệm.

Có nhiều cách để thực hiện trách nhiệm này, như nghiên cứu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; các giải pháp quy hoạch - kiến trúc đô thị, áp dụng các thiết bị kỹ thuật công trình có hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính; các giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị...

Thực tế, nhiều nước đều đang nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể của kiến trúc xanh như hệ thống chuẩn ISO/TS 21931:200, hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS, hệ thống LEED...

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam trước khi xây dựng một tòa nhà, công xưởng cũng nên quan tâm đến các hệ thống tiêu chuẩn này, chung tay tạo dựng một môi trường sống thân thiện với thiên nhiên; sử dụng hiệu quả năng lượng tiết kiệm chi phí...

Một số dự án xanh đã được thí điểm tại Việt Nam như tòa nhà của Liên Hiệp Quốc là dự án đầu tiên đạt tiêu chuẩn LOTUS, dự án tòa nhà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tòa nhà Trường Sơn (Tp. HCM)...

Một cao ốc theo xu hướng xanh khác ở TP. HCM là Vincom Center sử dụng kính Low-E, giúp các văn phòng giảm được chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng và bảo đảm sức khỏe cho nhân viên trong những ngày nắng nóng... Đó là những tín hiệu tích cực đầu tiên ở Việt Nam.

Tôi tin rằng việc chuẩn bị của một Kế hoạch hành động về khí hậu (CAP) ngày hôm nay sẽ cho phép một thành phố hay một khu vực có thể thiết lập các giai đoạn và giúp xác định bền vững cũng như một chiến lược tổng thể trong các năm tới. Bây giờ là thời điểm để được một nhà lãnh đạo, chứ không phải là một người dân thường, ra quyết định hưởng ứng.  

PETER LEE, Phó chủ tịch cấp cao khu vực Đông Nam Á - Tập đoàn AECOM
Theo DNSG