Nước sạch được coi là một trong những tuyến phòng thủ quan trọng để chống lại sự lây lan của COVID-19. Ảnh minh họa: Getty

“Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân (WASH), là tuyến phòng thủ hàng đầu chống lại sự lây lan của COVID-19, cũng như các bệnh lây truyền qua đường nước khác”, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa phát biểu trong phiên khai mạc. “Thật không may, các điều kiện vệ sinh cần thiết để chống lại bệnh tật là một thách thức đối với 300 triệu người ở châu Á-Thái Bình Dương, những người không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch và 1,2 tỷ người không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn”.

Các thảm họa liên quan đến nước càng làm gia tăng đáng kể các rủi ro đồng thời từ đại dịch COVID-19. Do đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về những cách thức hiệu quả để giảm thiểu rủi ro thiên tai liên quan đến nước khi đối mặt với đại dịch.

Đến năm 2022, ADB đã xây dựng trị giá hơn 6 tỷ USD cho các dự án cấp nước, vệ sinh, nước thải và hỗ trợ kỹ thuật, và hơn 2 tỷ USD cho việc quản lý rủi ro lũ lụt. Các hoạt động về WASH của ADB cũng đang được mở rộng để hỗ trợ cải thiện các điều kiện vệ sinh, trong đó kết hợp chặt chẽ hơn nữa các kết quả y tế trong các dự án.

Thực tế, ADB đã nhanh chóng phản ứng để giải quyết các tác động tức thời của đại dịch COVID-19, bao gồm gói hỗ trợ toàn diện trị giá 20 tỷ USD được công bố hồi tháng 4 vừa qua. Song song đó, các danh mục về quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước đang tăng cường tập trung vào khả năng chống chịu và phục hồi, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, thể chế mạnh mẽ và năng lực ứng phó với nhiều thảm họa xảy ra đồng thời. Ngoài ra, ADB cũng phát triển các công cụ tài chính mới để cứu trợ khẩn cấp cho các thảm họa liên quan đến sức khỏe và thiên nhiên.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ADB)