Chợ nón Dạ Lê - ảnh từ internet

Không hiểu từ bao giờ, câu rằng “than, củi, chổi, lá vằn” lại vận vào vùng quê Dạ Lê, Thanh Lam của tôi. Đó cũng là công việc gắn liền với những người bà, người mẹ, người chị, người em. Cũng không có chi quá lạ. Ở vùng ven đô, trước đồng sau rẫy, lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày, người dân quanh năm tất bật. Mùa màng rãnh rỗi là tính đến chuyện xoay xở kiếm sống. Đàn ông chăm lo đồng áng và nương rẫy, đàn bà chạy chợ. Xưa là đôi quang gánh trên vai. Nay là chiếc xe đạp cũ nát. Miếng ngon hàng ngày phụ thuộc cả vào đó. Nhớ xưa, có người mưu sinh bằng nghề đốn củi. Buổi sáng phải thức dậy 2-3 giờ sáng, vào tận trong Lụ hay độn Hoàng để đốn từng gánh củi đem bán. Khó nhọc vô cùng. Khi tôi lớn lên, nghề than, củi đã lùi vào dĩ vãng. Vậy nhưng vẫn còn đó nghề làm chổi đót, làm chổi rành, nghề bán lá vằn (nấu nuớc uống, rất tốt cho phụ nữ sinh con, cùng nhiều thứ lá khác nữa). Các loại lá dùng nấu nước uống không sẵn có tại địa bàn nhưng người dân nơi đây biết cách về tận Thừa Lưu hay vào tận đèo Hải Vân để khai thác. Rồi đem về phơi khô, bó thành bó nhỏ là công việc của cả vợ chồng. Còn lại chuyện bán buôn là của phụ nữ, của người vợ, người mẹ.


Nghề làm chổi đót - ảnh từ internet

Nhắc đến Thừa Thiên Huế, người ta liền nghĩ ngay đến lăng tẩm tráng lệ, chùa chiền cổ kính, con sông Hương thơ mộng hay những làng nghề truyền thống nổi tiếng, nhưng ít ai biết đến ở đây còn có những nghề lưu truyền khác mà vẫn mang đậm giá trị văn hóa. Một trong những nghề tiêu biểu là làm chổi đót ở 2 làng Thanh Lam và Dạ Lê. Chổi đót là một trong những vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình từ bao đời nay. Không phân biệt cao sang hay nghèo hèn, trong mỗi gia đình đều cần có cây chổi để làm sạch đẹp ngôi nhà. Làm chổi đót là công việc chính của phụ nữ. Nó cần đến sự chăm chỉ, khéo tay, có thể làm tranh thủ tăng thêm thu nhập để có thêm miếng ăn cho gia đình. Sản phẩm làm ra có thể bỏ sỉ cho bạn hàng cũng có thể đem bán dạo ở Huế hay Phú Bài.     
 
Hàng bán dạo chổi đót kèm theo chổi rành và vài thứ lá dùng nấu nuớc uống trở thành hình ảnh quen thuộc ở Huế. Nó như bổ sung thêm một nét đẹp về người phụ nữ Huế tần tảo, chịu khó, chịu thương, không cam chịu nghèo đói mà luôn biết cách xoay xở trong cuộc mưu sinh kiếm sống nhọc nhằn.
 
Đình Nam