Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ảnh: tuyengiao.vn

Nhiều cách "ném đá"

Mỗi dịp chuẩn bị đại hội Đảng ở một số cơ quan, địa phương lại xuất hiện những dư luận, đơn thư tố cáo nặc danh không đúng sự thật về nhân sự cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt. Những thông tin đó không ngoài mục đích làm mất uy tín cá nhân, phá rối nội bộ, làm ảnh hưởng đến đại hội Đảng các cấp.

Trong thực tế, không thiếu những dư luận hoặc tố cáo của đảng viên và Nhân dân gửi đến cấp có thẩm quyền với sự thật về một vài cán bộ nào đó. Những góp ý đó có thể là đạo đức, năng lực, chấp hành Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm hoặc trong gia đình, sinh hoạt hàng ngày có vấn đề cần chấn chỉnh. Điều đó giúp cho các tổ chức có thêm thông tin, đánh giá đúng về những cán bộ, đảng viên trong tổ chức. Tuy nhiên, có những đối tượng dưới nhiều hình thức khác nhau đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm vào những người được quy hoạch cấp ủy hoặc chuẩn bị bổ nhiệm lãnh đạo. Dư luận, tố cáo đưa ra dưới dạng nặc danh mà dân gian gọi là “ném đá giấu tay”. Đó là hành vi tung ra hoặc đứng đằng sau xúi dục người khác tung tin sai sự thật, hướng, lái dư luận theo ý đồ xấu về một cán bộ nào đó.

 Người tung tin thường lôi kéo, mua chuộc hoặc lợi dụng những kẻ nhẹ dạ, kém hiểu biết, có mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ để cung cấp thông tin, kích động, lan truyền thông tin sai sự thật. Họ tìm mọi cách xuyên tạc về phẩm chất đạo đức, lối sống; phán xét về trình độ năng lực, chuyên môn, thông qua đó khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ cụ thể nào đó. Thủ đoạn thường thấy là thổi phồng khuyết điểm theo kiểu “bới lông tìm vết”, “bé xé ra to”, có khi “đổi trắng thay đen” hoặc cường điệu những việc cụ thể để kê kích đời tư. Bên cạnh truyền miệng, rỉ tai cũng có không ít nơi xuất hiện đơn thư tố cáo nặc danh hoặc mạo danh.

Theo quy định thì cấp có thẩm quyền không thụ lý nhưng khi đã có dư luận cũng đã gây không ít khó xử cho công tác tổ chức. Đáng chú ý nhất là vào giai đoạn chuẩn bị gấp rút đại hội sẽ gây ra hoài nghi, dư luận xôn xao trong tập thể, gây bầu không khí nặng nề trong cơ quan. Nguy hiểm hơn, dư luận xấu đó đã gây ra nghi ngờ, mất lòng tin đối với người đảng viên, cán bộ chủ chốt. Từ đó, tạo nên chuỗi dư luận bàn tán về tiêu chuẩn, điều kiện của những người được cơ cấu. Cán bộ khi nghe dư luận về bản thân không đúng, nhưng lại không thể thanh minh nên cũng chạnh lòng, nản chí, nếu không vững vàng dễ dẫn đến tiêu cực.

Đối với hàng ngũ cấp cao, họ thường lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những tài liệu dưới dạng “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư” để vu khống, hạ uy tín đối với những người trong quy hoạch, cán bộ cấp chiến lược. Không lạ gì khi nhiều bài trên mạng youtube dẫn thông tin không rõ nguồn nào về quan hệ gia đình, những góc khuất về đời sống riêng tư của một số lãnh đạo được giật tít hấp dẫn nhằm thu hút dư luận. Một số cá nhân từng làm việc trong cơ quan cấp cao đã nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật lợi dụng hình thức “hồi ký”, “mạn đàm” tán phát những sự kiện được coi là “thâm cung bí sử”, tung ra những thông tin giật gân, cường điệu các tình tiết ly kỳ làm cho người nghe tin đó như là sự thật. Không ít trang mạng dẫn lại phát ngôn, bài viết của lãnh đạo được cắt xén làm sai lệch nội dung để tạo cho người đọc đánh giá về trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ, bêu riếu cơ chế lựa chọn nhân sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí dựng chuyện người này người khác đang chạy vào những vị trí có quyền lực, phải chi tiền để mua ghế, được ông X ông Y nào đó nâng đỡ, chống lưng...

Không được để những sơ hở trong công tác cán bộ

Chúng ta đang bước vào Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII. Công tác nhân sự cấp ủy, lãnh đạo phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc. Không được để những sơ hở trong công tác cán bộ làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, gây dư luận xấu trong Đảng và ngoài xã hội. Muốn vậy, phải tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân góp ý về những cán bộ trong quy hoạch hoặc cơ cấu lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới.

Chỉ thị 35- CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, bịa đặt trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự”. Trong nội bộ, hiện tượng “ném đá giấu tay” sẽ tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết, nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí gây xáo trộn cho đại hội ở một cấp bộ Đảng. Cho nên, trong mỗi tổ chức Đảng phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng để xuyên tạc, kích động chia rẽ, gây mất đoàn kết. Mặt khác, nâng cao đề kháng cho cán bộ, đảng viên trước những thông tin thất thiệt, gây chia rẽ, không nghe theo, không bình luận và lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những hành vi với mục đích xấu, xử lý nghiêm minh...

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH