Nguồn nước chảy được phân bậc giúp giảm chi phí vận hành máy bơm

Kinh tế vốn khó khăn, chàng trai sinh năm 1988 phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Đến tuổi nhập ngũ, môi trường quân đội đã rèn luyện, giúp anh chín chắn, bản lĩnh hơn.

Tý kể: “Qua nhiều trăn trở, tôi quyết chọn mô hình VACR để phát triển kinh tế. Cái hay của nó là sự tổng hợp khép kín, tận dụng xoay vòng các sản phẩm từ vườn, ao, chuồng, rừng. Đây là cách giúp tôi sử dụng hợp lý nguồn đất đai, nguồn nước, tái tạo năng lượng với chi phí thấp”.

Thăm trang trại bề thế với quy mô 2ha, chúng tôi được anh giới thiệu cây ăn quả các loại như bưởi da xanh, cam, ổi. Ngay giữa trang trại là ao cá, kế đó là chuồng lợn. Khu vực được bao quanh bởi tràm, trong rừng tận dụng nguồn cỏ để nuôi dê. Anh nói: “Vườn, ao cá, chuồng nuôi gia súc, rừng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Chuồng nuôi lợn 100m2 cung cấp phân bón cho 1.000m2 cây ăn quả. Ao cá, rừng đều cho sản phẩm, chúng được tái tạo, bổ sung cho nhau”.

Năm 2019, từ những kinh nghiệm học hỏi được, chàng trai vùng đất Lộc Hòa đã chuyển đổi một phần ao nuôi sang thả cá chình. “Đối tượng cá lóc, cá trắm cỏ cho giá trị chưa cao nên tôi chuyển sang nuôi cá chình. Hiện tại đang thử nghiệm với 150m2 mặt nước”. Thay vì xây bể xi măng hoặc thả ao đơn thuần, chàng trai 8X đã dùng đá để tạo nơi cư trú cho cá. “Cá chình là loài sống đáy, trong bọng cây, vùi mình trong bùn cát, hang hốc. Chúng thích bóng tối, sợ ánh sáng nên tôi chủ động kè đá, để hở những khoảng trống cho chúng ẩn nấp, tạo điều kiện cho cá sinh trưởng”, anh cho biết.

Tận dụng sự chênh lệch địa hình, các ao của anh Tý đều có ống nước chảy phân theo bậc, do đó giảm bớt chi phí vận hành hệ thống thoát nước. Dòng chảy di chuyển liên tục, vì vậy môi trường ao nuôi luôn đảm bảo vệ sinh, tránh bệnh tật. Hơn nữa nguồn nước tự nhiên, trong mát từ hồ Truồi giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Hiện tại 600 con cá chình đang phát triển ổn định, trọng lượng trung bình đạt 0,3kg/con.

Đối với thức ăn, anh sử dụng nguồn thủy sản khai thác tự nhiên để hạ giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng thịt, cá. Mỗi ngày, anh cho cá ăn một lần lúc mặt trời vừa lặn. Không chỉ đảm bảo cho ăn đúng số lượng, chất lượng, tránh tình trạng tồn dư, chàng trai 8X hàng ngày đều quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Đồng thời phát hiện bệnh cá để có phương pháp xử lý.

Anh bật mí: “Tập tính của cá chình là đớp thức ăn vừa miệng. Vì vậy với thức ăn tươi, tôi băm nhỏ cho cá chứ không xay nhuyễn”. Như vậy, kích cỡ thức ăn sẽ tăng dần đều theo sự phát triển của cá. Một lưu ý đặc biệt đối với cá chình là chúng rất sợ tiếng động. Vì vậy, ao cá nằm biệt lập trong rừng, hơn nữa lại có hang hốc trú ẩn là lợi thế lớn.

Ông Đào Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: “Mô hình VACR của anh Tý rất hiệu quả. Hàng năm doanh thu hàng trăm triệu, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Với mô hình nuôi cá chình, anh đã tạo hang hốc, giúp cá sinh trưởng, phát triển gần tự nhiên nhất. Vì thế cá phát triển ổn định, bệnh tật hầu như không có…”.

Được biết thời gian tới, chàng trai 8X sẽ cải tạo thêm 1.500m2 mặt nước để theo đuổi với đam mê cá chình. Anh hồ hởi: “Tôi đã dự trữ nguồn vốn, chỉ cần thuê máy móc kè đá nữa là có thể tăng diện tích ao nuôi”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ