Điện Thái Hòa nhìn từ lầu Ngọ Môn
Điện Thái Hòa là một địa điểm trung tâm trang trọng nhất trong Ðại Nội. Ngay từ khi mới dựng xong, điện Thái Hòa và sân chầu đã được vua Gia Long quy định dùng làm nơi thiết đại triều nghi, tổ chức những cuộc họp mặt quan trọng nhất giữa vua và các văn võ đình thần, mỗi tháng hai lần vào ngày mồng một và ngày rằm. Điện Thái Hòa cũng là nơi cử hành một số cuộc lễ thường kỳ và bất thường kỳ khác, như: lễ đăng quang (vua lên ngôi), lễ vạn thọ (mừng sinh nhật vua), lễ Chúc thọ (mừng tuổi vua nhân ngày Tết Nguyên đán), lễ Hưng quốc Khánh niệm (ngày Gia Long phục quốc) và lễ tiếp các sứ thần ngoại giao cao cấp...
Trong lịch sử nhà Nguyễn, lễ thiết triều có rất nhiều quy thức, thể hiện quy thức hành chính của triều đại. Tại điện Thái Hòa, tùy theo ý nghĩa của từng cuộc lễ mà hình thức và nội dung các tiết mục diễn ra khác nhau. Với lễ thiết triều được tái hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ ca ngợi tư tưởng trọng nông của đất Việt qua câu chuyện cách các vua Nguyễn xử lý một vấn đề liên quan đến thiên tai đe dọa mùa màng.
Theo sử xưa, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu mỹ tục tốt đẹp của dân tộc qua lễ Tịch điền. Từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, trên nền tảng của tư tưởng trọng nông, lễ Tịch điền đã có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì. Dưới triều đại của mình, các vị vua Nguyễn cũng đã cho xây dựng hai đàn rất lớn là đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc để cầu nguyện thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. Nhiều chính sách khuyến nông cụ thể của triều Nguyễn cũng đã đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cho cuộc sống của người dân.
Trở lại với lễ thiết triều trên điện Thái Hòa trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tái hiện cảnh mất mùa do thiên tai bão lụt. Trong đó, nêu bật vai trò của triều đình khi xử lý, ứng phó với thiên tai như thế nào từ việc cứu đói, xuất kho gạo dự trữ, bình ổn giá lúa gạo và cách bẩm báo của quan địa phương, ra các đạo dụ cấm quan lại hạch sách nhũng nhiễu dân chúng và các biện pháp thi hành. Những nội dung này được xâu chuỗi thành một câu chuyện trong khoảng 20 phút, qua hình thức sân khấu hóa, giúp du khách hình dung được bối cảnh của một buổi lễ thiết triều.
Kết nối một cách khéo léo và tinh tế trong lễ thiết triều sẽ có những điểm nhấn để giới thiệu với du khách về di sản tư liệu Thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Trong đó, nổi bật có bài thơ “Vị nông ngâm” của hoàng đế Minh Mạng:
Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm,
Kế thử liên liên tế tế châm.
Lẫm liệt đông trung chi thuận hậu,
Tuấn tuần điền thượng khủng hàn xâm.
Y ôn niệm chức tồn dư ý,
Thực bão tư nông động ngã tâm.
Giá sắc gian nan tòng cổ trọng,
Vô thời bất dĩ cử vi ngâm.
(Dịch thơ qua bản dịch của Hải Trung):
Đêm đón mưa vui trận trận qua
Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga
Hắt hiu giá rét mùa xanh lá
Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà
Mặc ấm ghi ơn người dệt vải
Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa
Bao đời trọng nỗi gian nan ấy
Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca.
“Vị nông ngâm” được hoàng đế Minh Mạng viết năm Nhâm Thìn 1832. Khoảng năm 1942, Paul Boudet, một học giả Pháp, khi có dịp vào trong hoàng cung Huế để khảo sát các tư liệu lịch sử, đã chụp được ảnh bản thủ bút của bài thơ và cho đăng tấm ảnh ấy kèm theo bài viết của ông trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 3, tháng 7-9 năm 1942.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu: “Bài thơ “Vị nông ngâm” đã được khắc trên điện Thái Hòa, chúng tôi muốn lồng ghép giới thiệu để ca ngợi tính nhân văn trong tư tưởng trọng nông của các vị vua Nguyễn và sự cộng hưởng với giá trị thơ văn trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hoạt động này không phải là phục dựng, mà chỉ là tái hiện một buổi lễ thiết triều. Qua đó, giới thiệu những sắc màu lộng lẫy, đẹp đẽ và quy thức tôn ti trật tự trong một buổi nghi lễ của hoàng gia xưa”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN