Nhưng lần lại lịch sử, không khỏi ngạc nhiên là chuyện bài trừ tệ đốt vàng mã đã được nói đến cách đây hơn một thế kỷ. Người khởi xướng không ai khác là cụ Phan Chu Trinh, một nhân sĩ yêu nước đã phát động phong trào Duy Tân rộng khắp toàn quốc. Một trong những nội dung chính của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ là “Bỏ các tệ mê tín dị đoan như đốt vàng mã, chữa bệnh bằng tàn nhang, nước lã…”. Cụ Phan Châu Trinh cho rằng, muốn giành được độc lập, khôi phục chủ quyền cho đất nước, việc thiết yếu đầu tiên là nâng cao dân trí. Bài trừ tệ đốt vàng mã là một hành động nâng cao dân trí.

Thế nhưng, đến nay, con số thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm, riêng hai làng làm nghề mã lớn nhất nước là Cót và Đông Hồ của Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ hơn 3 tấn giấy. Mỗi năm, cả nước “đốt” hết 50.000 tấn vàng mã. Năm 2003, Hà Nội đốt khoảng 400 tỷ đồng tiền thật để mua vàng mã. Số tiền lãng phí này đủ để xây trường đại học, nhiều lớp học cho học sinh vùng sâu vùng xa và vô số nhà tình nghĩa…
 
 
Riêng Thừa Thiên Huế, vùng đất của lễ nghi, cũng là một trong những trọng điểm sản xuất, buôn bán và sử dụng vàng mã. Dù chưa ai thống kê cả tỉnh có bao nhiêu cơ sở làm vàng mã. Mỗi năm có bao nhiêu tỷ đồng bị thiêu rụi nhưng mức độ đốt vàng mã thì ngay cả người trong cuộc cũng thấy nóng ruột. Mỗi năm, sông Hương phải hứng chịu hàng tấn vàng mã từ lễ Điện Hòn Chén.
 
 
Mặt trái của đốt vàng mã đã rõ. Luật cũng đã qui định, hành vi đốt vàng mã nơi công cộng, tại các lễ hội và điểm di tích lịch sử văn hoá sẽ bị xử phạt từ 500.000-1.00.000 đồng. Nhưng với thực trạng nhà nhà đốt vàng mã như hiện nay, việc phát hiện, xử phạt vẫn trên thực tế. Cho nên, có người hiến kế: Đưa hành vi đốt vàng mã vào qui ước xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố và gia đình văn hoá. Làng nào, tổ dân phố nào, gia đình nào đốt vàng mã nhiều, qua giám sát của dân, sẽ không được công nhận hoặc rút bằng công nhận văn hoá. Biết đâu, đây lại là kế sách hay để đối phó với nạn “ma” vàng mã đang ngày càng bành trướng.
 
Tiểu Muội