Mang cái cào trìa bằng tre hình chữ A lên vai, ra cửa, mình bỏ hành lý lại trên bờ kè, mấy đứa học sinh ngồi chơi cảnh báo: “Chị đi làm nghề ni thiệt hả, ướt hết mà không dễ mô nghe”! Mình cẩn thận dò dẫm xuống mấy tảng đá vừa đưa tay làm dấu “ok” cho tụi nhỏ yên tâm. Lội ra tới chỗ làm, nước chớm ngang hông, ngoảnh lại thấy mấy đứa lúc nãy không chịu về, ngồi “hóng” mình học nghề trông rất háo hức.
Trời chiều không nắng nhưng gió nhiều. Trên túi lưới chiếc cào phần chữ A chia hai có hơn chục con trìa nằm gọn. Mỗi lần chiếc cào di chuyển theo hướng đi của dì, tụi trìa chạm nhau kêu “cóc cóc” cứ như tiếng chuông gió làm bằng đá nghe rất lạ tai. Dùng hai tay đưa cào về trước rồi đi lùi, thi thoảng dì dừng lại, bàn chân phải mang tất chỉ để lộ ra mấy ngón chân sục sục vào cát gắp lên con trìa rất điệu nghệ. Khẽ khàng xin dì cầm một bên cái cào, mình khom lưng di chuyển theo. Gió thổi mạnh, dì dặn triều chưa xuống hẳn nhưng nhìn cát thấy như sóng cuộn cuộn và không đều là chỗ nớ có trìa đó!
Hai mươi phút “tập sự”, mình chịu khó quan sát và cũng học lỏm được chút chút kỹ năng. Vậy mà khi dì hô: “Có tề! Con gí chân tìm đi!”, mình lớ quớ sục khắp nên bị mất dấu trìa, rứa mà dì đưa chân vài đường thôi là tìm được nó ngay. “Răng cào ri mà biết có trìa hay cục đá hả dì”? “À, lưỡi cào gạt qua con trìa nghe cái "cóc" hay lắm con, còn cục đá hay con ốc là cảm giác ràn rạt”. Đứa con gái từ phố về nghe dì giải thích cũng căng tai, căng mắt để nghe âm thanh này của biển nhưng mô có dễ! Ngẫm lại dì làm nghề 15 năm, nuôi mấy đứa con ăn học nên người, dựng vợ gả chồng thành đạt mới thấy đúng là làm nghề gì cũng được, miễn giỏi nghề. Hèn chi lúc giới thiệu, “thổ địa” dẫn đường khoe hai vợ chồng dì làm cực giỏi, đi khắp vùng Phú Lộc, buổi sáng cào được từ vài cân đến chục cân trìa là chuyện bình thường.
Sau hơn một tiếng, mình bắt đầu cảm nhận được “có trìa” khi lưỡi cào gạt ngang qua. Chừng vài ba phút lại “chạm” cảm giác thú vị đó cứ như bắt được vàng. Mà cũng đúng, trìa là “vàng trắng” của vùng này, chị em vùng biển nhờ nghề này để mưu sinh. Tay dì chắc nụi, chân bước vững chãi, dậm bước nào là trúng con trìa bước đó. Lúc mỏi lưng, mình ôm tay dì tựa đầu thều thào: “Con làm cũng tạm dì hí. Nếu siêng học ri vài ba bữa chắc cũng kiếm cơm được chơ”?! “Ờ, dì thấy cũng được, chịu khó chịu cực là nghề không phụ mô con”! Chỉ câu ấy thôi mà mình quần thảo cả buổi ở cửa biển với dì rất hăng, “thổ địa” giục về mãi không được cho đến khi trời sập tối. Thu hoạch của hai dì cháu kha khá, dì múc chai nước biển để về ngâm trìa cho sạch cát và trao “thành quả” lao động kèm theo lời trách yêu: “Răng con ưng mần chi cái nghề cực ri”!
Lần đầu mình chạm vào biển với một cảm giác khác, một tâm thế khác. Không phải để hưởng thụ tắm táp mà để thử làm một người lao động với những vất vả mưu sinh thường ngày. Mắt chưa tinh bằng người miền biển, tai chưa đủ thính để bắt được cái âm thanh “cóc, cóc” đáng yêu của lưỡi cào khi chạm trìa nhưng chừng đó thôi cũng đủ để thấm được. Dì tiễn mình lên xe kèm theo nụ cười miền biển thiệt hiền, thiệt mặn mòi, cái nụ cười cứ mãi rạng rỡ trong tiếng sóng gió ràn rạt và tiếng “cóc cóc” của một buổi chiều thật sự thú vị và ý nghĩa.
TUỆ NINH