Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình đã làm nên sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: anninhthudo.vn

Vận dụng con đường ngoại giao và pháp lý quốc tế

Mỗi khi có xảy ra tranh chấp, đâm va tàu ta hoặc xâm phạm trên biển, chúng ta thường nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát đi tuyên bố, như: “Cực lực lên án”,“cực lực phản đối” hoặc nhẹ hơn là “lấy làm tiếc", "yêu cầu các bên liên quan chấp hành luật pháp quốc tế"...

Gần đây, khi xẩy ra sự kiện tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc xâm phạm vùng phía nam Biển Đông, thuộc chủ quyền Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tiếp tục lên tiếng phản đối. Những người không hiểu cho đây như kiểu nói cho có lệ, không dám làm quyết liệt, nhu nhược trước tình hình… Nếu có kiến thức về công pháp quốc tế thì phải hiểu, phát ngôn đó như một tuyên bố cấp ngoại giao cao nhất, chỉ sau nhân danh nhà nước. Đây cũng được coi như một phát ngôn chính thức, có giá trị quốc tế về ngoại giao, pháp lý khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam theo Công ước Viên và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Nếu chúng ta không lên tiếng phản đối thì mặc nhiên thừa nhận hành động xâm phạm vùng biển của nước ta là hoạt động bình thường của Trung Quốc, biến vùng biển của Việt Nam thành một vùng tranh chấp. Lời phát ngôn tiếp tục khẳng định tính hợp pháp khi xác định chủ quyền bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo đúng luật pháp quốc tế. Mỗi lần như vậy, chúng ta tiếp tục nhắc lại để khẳng định tính pháp lý và được coi như một “biên bản” để sử dụng làm bằng chứng pháp lý khi cần. Dù chỉ là phát ngôn của Bộ Ngoại giao nhưng lại có ý nghĩa rất lớn theo thông lệ về xử sự giữa các quốc gia trên các vùng biển. Như vậy, không thể nói tuyên bố là thiếu phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết, sòng phẳng của Việt Nam. Không thể nói đó là thế yếu trong cư xử giữa nước lớn, nước nhỏ.

Kết hợp sức mạnh chính nghĩa và vị thế chính trị

Hiện nay, với xu thế hợp tác quốc tế cùng uy tín và tiếng nói có trọng lượng của Việt Nam trên trường quốc tế thì không dễ quốc gia nào có thể áp đặt sức mạnh. Mặc dù trang bị khí tài quân sự so với các nước, Việt Nam chưa bằng, nhưng cũng đã được chuẩn bị hơn hẳn thời kỳ những năm 1975 đến 1988. Quan trọng nhất là thể hiện được vị thế chính trị và tính chính nghĩa của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nói chung và biển đảo nói riêng. Xử sự của Nhà nước trong điều kiện hiện nay thể hiện sự tỉnh táo, khôn khéo, linh hoạt, vận động quốc tế ủng hộ để bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta kiên trì thực hiện giải pháp đó trong tư thế là chủ nhân thực sự trước “ông khách” không mời nhưng đầy tham vọng.

Tuy khẳng định chủ quyền có tính lịch sử đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trong quan hệ ở Biển Đông, chúng ta còn phải đấu tranh với 6 quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền các đảo mà họ đang chiếm giữ. Trong điều kiện hiện nay, không thể giải quyết một sớm một chiều, lại càng không thể dùng vũ lực để giải quyết vấn đề biển đảo. Với vùng biển Tư Chính được xác định nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì việc Trung quốc đưa tàu vào dù với mục đích gì đều là bất hợp pháp, không thể chấp nhận. Họ đang muốn lực lượng chấp pháp của ta nổ súng trước và đó sẽ là cái cớ hợp lý để họ huy động chiến tranh, nuốt trọn Biển Đông mà dư luận quốc tế khó lên tiếng phản đối. Vùng biển được pháp luật quốc tế công nhận, đang yên lành lại phải nổ súng trước để biến thành vùng đất tranh chấp, tạo cớ cho gia tăng sức ép quân sự là hết sức bất lợi. Càng căng thẳng càng phải bình tĩnh, không để mắc mưu. Chiến tranh nổ ra là điều không mong muốn, không phải nước lớn mà chúng ta sợ, bởi vì chúng ta đã trải qua hàng trăm năm chống ngoại xâm, chưa bao giờ phải hổ thẹn với truyền thống của tiền nhân.

Bài học về ổn định trật tự xã hội

Trong lúc này, những người nhân danh “yêu nước”,“dân chủ” và những người thiếu ý thức chính trị lớn tiếng chỉ trích “lãnh đạo yếu hèn, nhu nhược, bỏ mặc chủ quyền”... Một số kẻ ra vẻ hiểu biết “hiến kế” làm việc này, việc nọ, kể cả chấm dứt quan hệ ngoại giao, cắt giao thương hàng hóa. Thậm chí còn “mách nước” đưa tàu ngầm, tên lửa tầm xa, tàu hải quân ra để quyết chiến… Nguy hiểm và xảo quyệt nhất là đưa ra những luận điệu mang tính kích động các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình chống đối. Dưới danh nghĩa là yêu nước nhưng bản chất là chống Đảng, Nhà nước, tạo bất ổn trong xã hội. Tất cả cái cớ nêu ra đều xuyên tạc, bóp méo nhằm kích động quần chúng hiểu sai sự thật, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Các vụ biểu tình, gây rối vào các năm 2012, 2014, 2016, 2018 xảy ra ở Bình Dương, Bình Thuận, Hà Tĩnh và một số địa phương… đang còn là bài học nóng hổi với những hậu quả khó lường. Khi đã xảy ra bất ổn thì thiệt hại cho xã hội và cho chính những người nhẹ dạ, kém hiểu biết là khó tránh khỏi. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng trên Biển Đông và cũng không phải lần đầu các đối tượng lợi dụng tình hình để “đục nước béo cò”, lợi dụng chống đối. Chúng ta đã nói rõ quan điểm và phương châm bảo vệ chủ quyền nên họ không có nhiều lý do để xuyên tạc, nhưng “bổn cũ” vẫn được soạn lại.

Chúng ta cần hiểu cho đúng và hết sức tỉnh táo để đồng thuận, ủng hộ phương châm bảo vệ biển, đảo của Đảng, Nhà nước ta, không làm phức tạp tình hình, xáo trộn trật tự xã hội. Mọi người cần hết sức cảnh giác trước sự dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu.

PHƯỚC KHÁNH