Thảm rừng nguyên sinh Bạch Mã

Xót lòng…

Đọc bài viết mới toanh của đồng nghiệp bản báo, chột dạ khi thấy thông tin gỗ lậu bị đốn hạ và được ngang nhiên vận chuyển men theo vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã. Một số người có trách nhiệm khi được hỏi cho đó là “gỗ này gỗ nọ” chứ chưa hẳn… từ rừng. Còn đồng nghiệp tôi, và hẳn cả nhiều bạn đọc nữa, lại hết sức nghi ngờ khi nhìn những phách gỗ còn tươi rói, ứa mủ. Nếu chúng bị đốn hạ từ rừng Bạch Mã, và nếu đó mới chỉ là một trong số nhiều vụ, thì thật là xót xa, thật là tai họa…

Chợt nhớ cách chưa lâu, tôi vô tình xem được một số khuôn hình từ ảnh vệ tinh Google earth chụp rừng Việt Nam. Sau 30 năm kể từ 1975, rất nhiều những mảng xanh trên ảnh đã trở thành đỏ quạch, trắng phớ do rừng bị tàn phá. Lần giở lại những con số, không ai là không khỏi thót người. Từ chỗ phần lớn lãnh thổ được rừng bao phủ, sau 1 thế kỷ “bị khai thác thuộc địa”, rừng nước ta giảm xuống còn 43% độ che phủ.

Tiếp đó, “cuộc chiến 10 ngàn ngày” kháng Pháp và 20 năm chống Mỹ xâm lược, hàng chục triệu lít dioxin, hàng chục triệu tấn bom đạn của giặc đã “nuốt” tiếp của Việt Nam 2 triệu ha rừng nhiệt đới. Sau 1975, số rừng còn lại chỉ khoảng 9,5 triệu ha, che phủ chừng 29% diện tích cả nước. Diện tích ít ỏi ấy lại tiếp tục bị khai thác phục vụ sản xuất, nhường chỗ cho thủy điện, bị lâm tặc trộm ngày cướp đêm… nên lại tiếp tục bị rút xuống.

Du khách bị quyến rũ bởi khí hậu và thảm xanh Bạch Mã

Một số liệu của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng công bố năm 1981 cho thấy, độ che phủ rừng còn 24%, trong đó chỉ có 10% là rừng nguyên sinh! Về sau này, nhờ phong trào trồng rừng, nhờ rừng tái sinh qua thời gian, diện tích che phủ có được tăng lên, nhưng chất lượng rừng thì được đánh giá là giảm sút đáng lo ngại!

Rừng mất, rừng nghèo, rừng bị phân tán…thì ở chiều kia lại hết sức “tưng bừng”: Lũ nhiều, lũ lớn, lũ dài ngày, lũ quét, lũ ống, lở đất, sập núi, hạn hán cháy khô, nắng nóng điên người khiến ai nấy đều điêu đứng kêu trời van đất. Đó là sự trả giá, và đó là sự cảnh báo nghiêm khắc để con người tỉnh ngộ mà dừng ngay mọi hành vi xâm hại, mà cố gắng bảo vệ, cố gắng bồi bổ số diện tích rừng quý giá còn sót lại.

Rừng sẽ quay lại và trả ơn người?

“Dừng lại”, “bảo vệ”, “bồi bổ” bằng cách nào? Bằng xử lý thật nghiêm khắc, không khoan nhượng đối với các hành vi trộm cắp, khai thác rừng trái phép, sai phép; không đánh đổi rừng để lấy những công trình không/hoặc chưa thật sự cần thiết; vận động sáng tạo, sử dụng các vật liệu thay thế gỗ; chăm lo công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ, cấm săn bắt chim thú, giữ gìn những cánh rừng tái sinh và tích cực trồng ngày càng nhiều thêm các giống cây bản địa…

Hàng chục năm nay, “Mùa xuân là tết trồng cây” đã trở thành một tập tục, một phong trào đẹp, hữu ích và có sức lan tỏa ở nước ta. Phong trào dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện, không hề nghe có chế tài ràng buộc nào cho nên có khi, có nơi kết quả thu về chưa cao. Philippines mới đây ra đạo luật có vẻ… hơi khắc nghiệt, nhưng lại được hoan nghênh chứ chưa thấy phản ứng, đó là luật "Di sản tốt nghiệp cho Hành động vì môi trường". Theo luật này, mỗi học sinh, sinh viên mọi cấp học ở Philippines muốn tốt nghiệp đều phải trồng 10 cây xanh. Người Phi “cân đối”, với số học sinh, sinh viên của mình, mỗi năm họ sẽ có thêm ít nhất 175 triệu cây; mỗi thế hệ sẽ có ít nhất 525 tỷ cây xanh được trồng mới. Việc làm này không chỉ góp phần thiết thực trong chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn làm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh, sinh viên cũng như trong toàn xã hội.

Ý tưởng thú vị ấy chúng ta cũng có thể học tập. Số cây có thể không nhất thiết phải là 10 cây/em cho mỗi cấp học, nhưng số đối tượng thì có thể mở rộng. Chẳng hạn như mỗi địa phương đều có dành những khu đất thích hợp để cán bộ khi được tuyển dụng, đề bạt, trúng cử HĐND… đều đến đó trồng 1 cây xanh, đồng thời phải để mắt chăm nom cho cây sống. Cái này không phải là sáng kiến gì ghê gớm lắm mà ngay từ trước kia, thời nhà Nguyễn, hoàng thân quốc thích hay quan chức có phẩm ngạch nhất định mới được vua cho phép trồng một cây thông ở đàn Nam Giao. Cây đeo thẻ bài khắc chức danh, tên tuổi cụ thể, và người trồng nó xem như đó là một vinh hạnh, một ân sủng lớn.

Học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức cùng chung tay trồng cây xanh, đồng thời siêng năng hưởng ứng Tết trồng cây làm theo lời Bác, kèm theo đó là triển khai thật tốt những giải pháp chăm sóc, bảo vệ rừng như trên đã đề cập, làm được như thế, lo gì rừng không quay trở lại, không trả ơn người…

Bài, ảnh: HIỀN AN