Trang tư liệu của “Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa”

Năm 2018, khi nhà văn người Nga Tatjana Bogina cùng ông Nguyễn Trường Sơn, ủy viên BCH Liên hiệp các hội Unesco tại Việt Nam đến Huế, tôi là một trong những người đầu tiên được họ chọn để gặp gỡ và trao đổi về mục đích của chuyến khảo sát. Kỳ thực, mới đầu, khi nghe nguyện vọng của bà Tatjana về việc muốn biên soạn một cuốn sách ảnh về Cố đô Huế, tôi chưa quan tâm nhiều, đơn giản vì trước đó đã có không ít cuốn sách hay, đẹp về Huế. Nhưng càng nghe bà nói, quan sát cách thể hiện của bà, tôi càng bị thuyết phục. Đây là một người Nga rất đặc biệt, sự tâm huyết và tình cảm yêu mến mà bà dành cho Huế thật hiếm có. Ngay từ lúc ấy, tôi đã tin rằng, Tatjana sẽ có một công trình hay về Huế. Và tôi đã không nhầm.

Hôm nay, khi đã cầm trên tay và đọc xong cuốn Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa, tôi thực sự rất vui. Vui lắm vì Huế lại có thêm một tác phẩm hay, một người bạn quý. Huế lại có thêm một vị đại sứ để đưa các giá trị văn hóa vô giá của vùng đất này đến với thế giới.

Bìa sách “Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa”

Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa là một cuốn sách ảnh khổ lớn, in đẹp, viết bằng 3 ngôn ngữ: Nga, Anh và Việt. Sách in tại Nga và theo kế hoạch, sẽ chuyển về Việt Nam 1.500 cuốn. Với 3 loại ngôn ngữ, cuốn sách này sẽ có lợi thế đặc biệt trong việc tiếp cận với các đối tượng khác nhau, không chỉ là người Việt Nam, người Nga và các nước nói tiếng Nga, mà dành cả cho người sử dụng tiếng Anh.

Khác với phần lớn các cuốn sách ảnh hay sách viết về du lịch Huế trước đó, thường chỉ nặng về phần ảnh đẹp, hay nặng về phần giới thiệu kiểu cung cấp thông tin cho du khách, Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa là một câu chuyện kể tràn đầy cảm xúc của một nhà văn nữ về vùng đất Cố đô huyền diệu. Mở đầu sách nhà văn Tatjana Bogina viết:

“Thành phố Huế - một kho báu bất tận. Bất tận bởi mỗi khoảnh khắc khi mở ra với bạn. Không những in đậm dấu tích cổ xưa, mà còn hé ra chân trời mới, ý nghĩa mới và cảm xúc lắng sâu.

Khi nhìn một công trình lộng lẫy nào đó tại nơi này, dường như ta có cảm giác quen thuộc và hiểu hết về nó. Khi bạn đến gần hơn, ta mới nhận ra rằng đó chỉ là cái nhìn bên ngoài, còn bên trong nó, khi cánh cửa hé mở, vô vàn điều mới lạ như đang chờ bạn. Hơn nữa, tùy vào hướng nào bạn sẽ đi, bạn có thể rơi vào một thế giới song hành, chúng ở đằng sau nhưng hành lang, ngôi vườn, hội tụ về một không gian nhất thể, cuốn hút ta vào những chuyến hành hương, cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

Và Tatjana “muốn  dành cho bạn, dù còn xa lạ theo khoảng cách, về ngôn ngữ, về văn hóa với Việt Nam, vẫn có thể ngấm được bản chất truyền thống Việt, hiểu ngọn ngành các hành vi Việt, chạm được lịch sử Việt, và hoan hỉ rằng, khi đọc xong cuốn sách này bạn có thể hiểu được ý nghĩa, ngay từ cái nhìn đầu tiên, những thứ như kỳ lạ, ngôi nhà, con đường, trang phục, ẩm thực và cả những bông hoa. Nói gọn hơn, dù chỉ là những khoảnh khắc, bạn trong thâm tâm như đã là người Việt”.

Với 176 trang sách, Tatjana đã dẫn dắt độc giả đến và hiểu Huế qua từ câu chuyện cụ thể, được minh họa bằng những bức ảnh sinh động, tràn đầy hơi thở của cuộc sống, từ sự hình thành kinh đô, ngôi chùa, nhà vườn, hoàng cung, các biểu tượng của hoàng đế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, triết lý từ quần thể lăng tẩm hoàng gia, những con voi, câu chuyện về ẩm thực cung đình đến dân gian, nhã nhạc và dòng sông Hương... Lời văn nhẹ nhàng dung dị nhưng rất cuốn hút. Độc giả đã khó mà dừng mắt khi đã cầm trên tay cuốn sách này.

Mặc dù vẫn còn mỗi số lỗi ngữ pháp, lỗi kỹ thuật nhỏ nhưng chắc chắn đây vẫn là một cuốn sách hay và đẹp về Huế theo nhiều ý nghĩa. Tôi đã rất vinh dự khi được viết lời mở đầu sách và bây giờ là giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này.

Bài, ảnh: PHAN THANH HẢI