Minh họa của TBKTSG |
Thông tin liên quan:
Việt Nam ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo
Giới đầu tư quốc tế kỳ vọng vào thị trường Việt Nam
Việt Nam ba năm liền được chọn là thị trường hàng đầu
Kết quả này, được đưa ra bởi một tổ chức có uy tín hàng đầu thế giới về nghiên cứu, đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trên toàn cầu, chắc chắn mang lại niềm vui lớn cho những ai quan tâm và mong muốn nền kinh tế Việt Nam phát triển. Những người ưa “số đẹp” sẽ càng mừng hơn và sẽ an lòng dẫn chiếu những con số đẹp này của WEF mỗi khi nói đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2010, mà quên đi kết quả rất trái chiều của Forbes, tạp chí vừa đánh tụt 5 bậc đối với Việt Nam trong báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu.
Song hãy bình tâm và tỉnh táo suy xét những khen chê qua các đánh giá, xếp hạng này, cũng như những nhận xét, đánh giá của các tổ chức khác đã được đưa ra trong thời gian gần đây và sẽ đưa ra trong thời gian tới. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và mỗi nước liên tục biến động trước, trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này, các bộ máy nghiên cứu, đánh giá, dự báo kinh tế ở khắp nơi đều tăng thêm công suất hoạt động và không ngừng công bố những phát hiện mới, những đánh giá, dự báo và khuyến nghị cho các chính phủ và doanh nghiệp. Kết quả của họ có thể khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, và ta có thể vui hay buồn, thích hoặc không thích những điều họ nói về mình, nhưng quan trọng nhất là phải có một sự tỉnh táo để lắng nghe và một thái độ cầu thị để học lấy những bài học cần thiết cho mình.
Trong đánh giá của WEF năm nay về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam có không ít điều đáng suy nghĩ. Ở cả ba hạng mục chính “yêu cầu cơ bản”, “các nhân tố cải thiện hiệu quả” và “các nhân tố về sáng tạo và phát triển”, Việt Nam đều đạt điểm và thứ tự xếp hạng khá (lần lượt cho từng hạng mục là 4,4 điểm và thứ 74; 4,2 điểm và thứ 57; 3,7 điểm và thứ 53). Đây là những con số đáng khích lệ, nếu chúng dựa trên những căn cứ xác đáng và thuyết phục.
Tuy nhiên khi nhìn vào các yếu tố cụ thể được WEF xếp ở các vị trí khá cao như tiền lương và năng suất (hạng 4/139), tỷ lệ tiết kiệm quốc gia (17), trình độ của người tiêu dùng (45), khả năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán (35), FDI và chuyển giao công nghệ (31), quy mô thị trường nội địa (39), quy mô thị trường nước ngoài (29)..., những ai hiểu sâu hơn về nền kinh tế Việt Nam hiện nay chắc không khỏi băn khoăn, nghi ngại. Liệu mọi con số đẹp có đều đáng mừng không, và tình hình có tốt đẹp đến thế không, khi mà những nghiên cứu gần đây của các tổ chức nghiên cứu có uy tín nhất ở nước ta đều cảnh báo rằng nhiều chỉ số về chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững của chúng ta đang giảm sút đến mức đáng lo ngại.
Ví dụ, về tiền lương và năng suất, ta được xếp hạng 4/139. Mức tiền lương ở nước ta có thể là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng rõ ràng tiền lương thấp cũng có nghĩa là chất lượng lao động, chất lượng việc làm thấp, và bất cứ ai cũng không muốn bản thân mình chỉ được nhận đồng lương ít ỏi và nước mình chỉ cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ. Vì vậy được xếp hạng cao về mức độ cạnh tranh về tiền lương không phải là điều đáng mừng. Còn về năng suất lao động, hẳn là do “ăn theo” tiền lương mà ta có thứ hạng cao, chứ nhiều nghiên cứu khác đều cho thấy nước ta tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và năng suất lao động ở nước ta tăng rất chậm do trình độ công nghệ thấp và chậm cải thiện.
Một ví dụ khác: tỷ lệ tiết kiệm quốc gia của nước ta được xếp thứ 17, nhưng những nghiên cứu trong nước lại báo động về tình trạng tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với đầu tư đang giảm nhanh, đồng nghĩa với việc nước ta đang lệ thuộc ngày càng nặng nề hơn vào vốn từ bên ngoài cho đầu tư phát triển của mình. Tương tự, tuy về FDI và chuyển giao công nghệ nước ta được xếp thứ 31, nhưng trình độ công nghệ nhìn chung là thấp và mức độ chuyển giao công nghệ khiêm tốn đang là thực tế đáng buồn trong kết quả thu hút FDI ở nước ta, cho dù số vốn đăng ký liên tục tăng trong mấy năm gần đây.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố Việt Nam ở gần cuối bảng xếp hạng của WEF như mức độ bảo vệ các nhà đầu tư (133), gánh nặng thủ tục hành chính (120), năng lực kiểm toán và chuẩn mực báo cáo (119), chất lượng cơ sở hạ tầng (123), cân bằng ngân sách chính phủ (126), thời gian thành lập doanh nghiệp (118), quyền sở hữu của nước ngoài (114), mức độ sẵn có của công nghệ tiên tiến (102)... Báo cáo của WEF cũng nêu lên những yếu tố gây cản trở đối với hoạt động kinh doanh, trong đó ở Việt Nam năm rào cản hàng đầu là khả năng tiếp cận vốn, lạm phát, mức độ ổn định thấp của chính sách, lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ, và cơ sở hạ tầng hạn chế.Những thứ hạng thấp nêu trên và nhận định về năm rào cản này khá trùng hợp với đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh mà Forbes vừa đưa ra, cũng như những lời phàn nàn về các nút thắt cổ chai mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục nói đến. Điều đáng quan ngại nhất là, đây toàn là những chỗ yếu “chết người” trong phát triển, đã kéo dài nhiều năm nay, đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng lại rất chậm thay đổi, thậm chí có mặt còn nặng nề thêm trong mấy năm gần đây.
Cuối cùng, tuy thăng hạng so với báo cáo năm ngoái, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo WEF vẫn thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Đây cũng là thực tế được nhìn nhận trong các xếp hạng khác nhau và các báo cáo nghiên cứu về hiện trạng kinh tế Việt Nam, mặc dù ai cũng đánh giá cao những thành tựu chúng ta đã đạt được trong 25 năm cải cách vừa qua. Nói cách khác, dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với chính mình, nhưng so với các nước xung quanh, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa và đuổi theo cho “bằng chị bằng em” vẫn còn là một con đường dài vất vả.
Vì vậy thiết nghĩ chúng ta rất cần biết lắng nghe bằng cả hai tai, tiếp nhận và suy nghĩ thấu đáo từng chi tiết trong những lời khen, chê về mình, để biết mình là ai và phải làm gì để phát triển bền vững trong một thế giới mà vị thế mỗi nước không ngừng thay đổi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Phạm Chi Lan ( theo TBKTSG)