Nhà Xuất bản Thuận Hoá đã tổ chức dịch toàn bộ BAVH gồm 31 tập, ước khoảng 15.000 trang bản thảo, từ số đầu năm 1914 đến số cuối năm 1944. Đọc Những người bạn cố đô Huế, gạt bỏ đi những vấnđề về quan điểm chính trị cổ suý cho chương trình ổn định và phát triển công cuộc bảo hộ của Pháp với chiêu bài “Pháp - Việt đề huề”, điều mà tôi ghi nhận là sự lao động miệt mài, những phát hiện khoa học mà giá trị của nó vẫn như còn nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Chợt nhớ đến Léopold M.Cadière và những đồng sự của ông khi buổi sáng nay tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Châu Phan tại thư phòng của ông, một thư viện tư nhân duy nhất cho đến thời điểm này ở Huế. Đã ròng rã hơn mười năm nay, ông Châu Phan cùng những người bạn ở Trung tâm Nghiên cứu Huế làm việc với tinh thần lao động nghiêm túc và khoa học, liên tục cho ra đời những những ấn phẩm “Nghiên cứu Huế” dày dặn và giá trị. Điều may mắn cho ông Châu Phan là người đã được thừa kế một khối lượng sách vở đồ sộ và những công trình nghiên cứu cùng những ý tưởng tâm huyết đóng góp cho sự phát triển đô thị Huế của người cha là Cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính.
Ông Châu Phan tâm sự: Xây dựng thư viện cá nhân gắn với hình thành Trung tâm Nghiên cứu Huế, mục tiêu đầu tiên là tạo điều kiện san sẻ tài liệu cho các bạn sinh viên và những người đang quan tâm nghiên cứu về Huế. Tiếp đến là phát hành những tập sách Nghiên cứu Huế, tiến đến hình thành bộ bách khoa thư về văn hoá Huế. Đã có rất nhiều người đến với thư viện cá nhân ở tại một trong những ngôi nhà đẹp nhất trên đường phố Nguyễn Huệ và cho đến nay đã có 7 tập sách “Nghiên cứu Huế” công phu và được đánh giá rất cao về mặt khoa học hiện nay.
Tôi cũng được biết, cùng với ông Nguyễn Hữu Châu Phan, ở Huế hiện có một đội ngũ đông đảo những nhà “Huế học” giàu nhiệt tình, nhiều đam mê và có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu và quảng bá những giá trị văn hoá Huế. Có thể kể, từ Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An đến Hồ Tấn Phan, Nguyễn Xuân Hoa… Họ là niềm tự hào, là những tên tuổi đáng trân trọng và là một bộ phận quan trọng của “di sản văn hoá Huế’ hôm nay cũng như các tên tuổi lớn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn… của Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật hay Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu trong di sản văn hoá phương Nam.
Một hội thảo về Léopold M.Cadierè đã được tổ chức ở Huế. Lần đầu tiên sau hàng gần một thế kỷ, những công lao và đóng góp của Léopold M.Cadière được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc. Và tôi lại nghĩ, không chỉ dành riêng cho Léopold M.Cadière, đó cũng là sự tôn vinh dành những con người “nặng lòng yêu mến Huế, văn hoá Huế” đã có sự lao động quên mình, góp phần phát hiện, giữ gìn, bảo tồn, khai thác và tôn vinh những giá trị đặc sắc, tiêu biểu cho tinh hoa Việt của văn hoá Huế. Họ xứng đáng có được sự vinh dự đó.
Đan Duy